MyFeed Personalized Content
Bé từ 12 - 24 tháng tuổi
Bài viết
Add this post to favorites

Quá trình phát triển của trẻ giai đoạn 1-2 tuổi

Quá trình phát triển của trẻ giai đoạn từ 1-2 tuổi sẽ có rất nhiều thay đổi. Cha mẹ cần chú ý quan sát để dạy con đúng cách.

5 min để đọc Jul 9, 2022

Quá trình phát triển của trẻ về trí tuệ là một quá trình học hỏi lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của cả bé và mẹ. Đặc biệt, quá trình phát triển của trẻ 12 đến 24 tháng tuổi chính là giai đoạn phát triển quan trọng của bé, bởi bé sẽ phát triển rất nhanh về thể chất, trí tuệ và tâm thần vận động trong giai đoạn này: Hoàn thiện khả năng nói, khả năng đi, khả năng sử dụng tay chân của mình một cách linh hoạt và khéo léo hơn…Chính vì vậy, ngoài việc bổ sung dinh dưỡng để giúp bé thông minh thì bố mẹ cũng nên chú ý các mốc phát triển tâm thần vận động của con để có thể hỗ trợ con tốt hơn, cũng như đánh giá được mức phát triển của bé như thế đã “ổn” chưa.

1. Quá trình phát triển của trẻ từ 12 đến 16 tháng

Trẻ từ 12 đến 16 tháng sẽ có những thay đổi nhỏ cho thấy sự phát triển của trẻ như  tập đứng, nói bập bẹ hay thể hiện cảm xúc đặc biệt

 

Vận động: Bé có thể đứng vững, tự đi một mình, nhìn xa, đi giật lùi, cúi xuống và đứng lên, biết cầm bút vẽ  nguệch ngoạc, xếp chồng 2 khối, chỉ được bộ phận cơ thể mình khi bố mẹ hỏi như mắt, mũi, miệng… Bé đã đủ khéo kéo để tự lấy được đồ vật ra khỏi thùng chứa. Nên bố mẹ cần cẩn thận với tính tò mò khám phá của con trong giai đoạn này nhé. 

Ngôn ngữ: Bé có thể nói được 10 - 30 từ đơn, biết phản ứng lại khi bố mẹ gọi tên mình, bé cũng đã có thể hiểu và bày tỏ ý muốn không đồng ý với những điều mẹ nói bằng cách lắc đầu phủ định.

Kỹ năng xã hội: Bé có thể uống nước bằng ly, sử dụng được thìa (muỗng), thể hiện được ý muốn của bản thân bằng hành động, khi kỹ năng nói vẫn chưa hoàn thiện. 

Nhận thức: Nhìn đúng hình ảnh được gọi tên, bắt chước điệu bộ cử chỉ như nhăn mặt, làm xấu; đây cũng là giai đoạn bố mẹ sẽ “chết cười” với những hành động ngộ nghĩnh của con đấy. 

Cảm xúc: Bé có thể biểu lộ sự yêu thích với một số món đồ chơi hay một số người nào đó đặc biệt, lo lắng nhút nhát khi gặp người lạ, thích bắt chước người khác khi chơi, thích bắt chước âm thanh mà bé đã nghe. Bố mẹ có thể tham khảo thêm Rèn Luyện Trí Tuệ Cảm Xúc Cho Con Từ Ngày Đầu Đời  để cùng con khôn lớn, hạnh phúc. 

2. Quá trình phát triển của trẻ từ 16 đến 20 tháng 

Trẻ từ 16 đến 20 tháng sẽ tích lũy vốn từ vựng và nói nhiều hơn và bắt đầu có những dấu hiệu “bướng bỉnh”

 

Vận động: Bé có thể bước lên bậc thềm, bậc cầu thang khi có người lớn vịn tay, vì thế, bố mẹ cần cẩn thận xem chừng khu vực cầu thang trong giai đoạn này để phòng các tai nạn đáng tiếc. Bé cũng đã có thể chơi đá bóng rất “điệu nghệ” nhé, nhưng chỉ mới đá bóng về phía trước thôi. 

Ngôn ngữ: Bé đã tích lũy vốn từ vựng và nói được từ 30 - 80 từ đơn và bắt đầu sử dụng câu 2 từ như bố ơi, mẹ ơi, đi ăn,… 

Kỹ năng xã hội: Bé có thể biết đánh răng nhưng cần phải có người trợ giúp, tự cởi quần áo, và ở giai đoạn này, bé rất thích nghe kể chuyện, chơi trò đóng giả (xây dựng, cho búp bê ăn, chơi xe ô tô,…) Đây là những việc làm kích thích kỹ năng xã hội giúp bé thông minh hơn. 

Nhận thức: Bé phân biệt được người thân trong gia đình và thể hiện cảm xúc khác nhau với từng người, bé cũng bắt đầu chơi chung với bạn và có tâm lý chiếm hữu, dành đồ chơi của mình rồi. 

Cảm xúc: Bé có thể cười vỗ tay khi thấy thích thú, khóc hờn dỗi khi bé không thích thứ gì đó, thỉnh thoảng bướng bỉnh không nghe lời. 

3. Quá trình phát triển của trẻ từ 20 đến 24 tháng 

Trẻ từ 20 đến 24 tháng có thể gọi tên những thành viên trong gia đình và chỉ đúng đồ vật được gọi tên

 

Vận động: Lúc này, bé đã khá là khéo léo và vận động linh hoạt như nhảy tại chỗ, khi đi bé còn có thể kéo đồ vật sau lưng, kỹ năng leo trèo lên bàn ghế và bất cứ thứ gì có vẻ “thách thức” một cách vô cùng hứng thú như một trò chơi. Bé bắt đầu biết chạy, leo lên xuống cầu thang bằng cách vịn và bám. 

Cảm xúc -  xã hội: Đây là giai đoạn bé thích quan sát và bắt chước những người xung quanh, nhất là người lớn như bố mẹ, ông bà, vì thế, bố mẹ cần phải chú ý làm tấm gương tốt và dạy con đúng cách để con học được những cách cư xử tốt, đúng mực ngay từ nhỏ. Lúc này, bé đôi khi cố tỏ ra tự lập, ngang bướng và có hành vi thách thức (làm ngược lại những điều mà người lớn không cho). Bé cũng bắt đầu thích chơi với bạn bè. 

Ngôn ngữ: Bé có thể nói câu 2 - 4 từ, gọi tên những người thân trong gia đình và chỉ đúng bộ phận cơ thể, đồ vật xung quanh khi bố mẹ gọi tên. Mẹ có thể xem thêm Mẹo Để Bố Mẹ Phát Triển Kỹ Năng Giao Tiếp Cho Trẻ để giúp bé phong phú thêm vốn từ và hoàn thiện kỹ năng giao tiếp.

BS CK I  Thái Thanh Thủy Trưởng khoa Tâm Lý  - Bệnh viện Nhi Đồng 2