MyFeed Personalized Content
Bé từ 6 đến 12 tháng tuổi
Bài viết

Tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho trẻ

Bên cạnh việc nuôi dưỡng bé đúng cách, không thể quên nhắc đến việc cần thiết là tiêm chủng cho bé. Đây là biểu hiện của tình thương yêu, bảo vệ con cái.

3 min để đọc Oct 15, 2015

Trước khi vắc xin ra đời, các bệnh như bại liệt, sởi, rubella, bệnh đậu mùa, bệnh bạch hầu,… thường là các bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng suốt đời và có thể gây thành đại dịch. Từ khi có Vắc xin, trên thế giới tỉ lệ tử vong do các bệnh này gây ra giảm đáng kể. Việc tiêm chủng đúng và đủ sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm cho bé.

1. VẮC XIN LÀ GÌ?

Vắc xin là thành phần chứa các vi - khu- ẩn, siêu vi (vi-rut) gây bệnh đã chết hoặc được làm suy yếu và đưa vào cơ thể của bé để cơ thể của bé tự tạo miễn dịch, sẵn sàng chống lại các tác nhân gây bệnh.

Vắc xin có thể là đơn liều (một mũi vắc xin ngừa 1 bệnh) hay đa liều (một mũi vắc xin ngừa được nhiều bệnh như các mũi 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 khá phổ biến khi bố mẹ cho bé đi chích ngừa). Hiện tại đa phần các bác sĩ và các bệnh viện đều ưu tiên sử dụng các loại vắc xin đa liều nhằm mục đích:

a. Giảm số lần tiêm, bé ít đau hơn

b. Giảm số lần bố mẹ đưa bé đi tiêm để thuận tiện hơn.

c. Dễ nhớ lịch, tiêm đúng và đủ liều sẽ bảo đảm hiệu quả của Vắc xin d. Tiết kiệm chi phí cho gia đình và xã hội.

2. CÓ PHẢN ỨNG PHỤ SAU KHI TIÊM VẮC XIN HAY KHÔNG?

Hầu hết các phản ứng phụ của vắc xin đều nhẹ và nhanh hồi phục như sưng đau ngay chỗ chích hoặc sốt…Các phản ứng phụ này xuất hiện tùy theo thể trạng của từng bé, với những bé khỏe mạnh, bé vẫn vui vẻ thoải mái và không có phản ứng phụ nào xảy ra. Với những bé có phản ứng phụ như sốt thì có thể xảy ra trong thời gian ngắn, tuy nhiên đó cũng là phản ứng của cơ thể để tạo miễn dịch và sẽ biến mất sau 24 giờ.

Để đảm bảo an toàn tối đa cho con, bố mẹ nên đưa bé đi tiêm chủng tại các cơ sở y tế uy tín, được phép tiêm chủng, có đầy đủ phương tiện sơ cứu.

3. NGOÀI RA, BỐ MẸ CẦN LƯU Ý

Giữ sổ và phiếu tiêm chủng đầy đủ để theo dõi lịch tiêm chủng của bé.

Bé chỉ được tiêm ngừa khi khỏe mạnh, nếu bé bị bệnh hoặc đang phải điều trị kháng sinh thì phải dời lịch tiêm chủng.

Trước khi cho bé đi tiêm chủng, bố mẹ nên chủ động thông báo cho nhân viên y tế về tình hình sức khỏe của bé, hoặc bé có bệnh lý, dị ứng gì trước đây hay không… Nếu bé đang dùng thuốc thì tốt nhất nên mang theo đơn thuốc gần nhất mà bé đã sử dụng.

Sau khi tiêm, nên để bé ở lại 30 phút tại cơ sở y tế để theo dõi phản ứng sau tiêm.Và khi về nhà, bố mẹ nên chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của bé trong 2 ngày. Nếu bé có biểu hiện bất thường thì phải đưa bé đi khám ngay.

Về dinh dưỡng, sau khi tiêm chủng nên cho các cháu ăn nhẹ như uống sữa, ăn bột, ăn cháo loãng, cho bé uống nhiều nước.

BS CK Ii Nguyễn Thị Thanh Trưởng khoa Nội 1 - Bệnh viện Nhi Đồng 2