MyFeed Personalized Content
Bé từ 2 đến 6 tuổi
Bài viết
Add this post to favorites

Lưu ý khi chọn sữa cho bé dị ứng đạm bò

Cùng tham khảo những điều mẹ cần biết khi bé bị dị ứng đạm sữa bò để có thêm kiến thức nuôi con và cách điều trị thích hợp cho bé. Ngoài ra, mẹ cũng sẽ có thêm kiến thức về pháp dinh dưỡng sữa cho bé dị ứng đạm bò thích hợp.

6 min để đọc Dec 30, 2019

Với trẻ nhỏ, nguồn dinh dưỡng trẻ dung nạp hàng ngày có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng dị ứng, và đạm sữa bò là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Ước tính, có khoảng 3% trẻ nhỏ trên toàn cầu mắc dị ứng đạm sữa bò, tuy nhiên không phải bà mẹ nào cũng có những hiểu biết nhất định về vấn đề này. Mẹ có thể tham khảo thêm bài viết Tìm Hiểu Dị Ứng Thức Ăn Ở Trẻ Nhỏ.

Bé bị dị ứng sữa bò là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu bé bị dị ứng đạm sữa bò thì mẹ cần xác định xem bé đã ăn gì và cần khắc phục như thế nào?

Có khoảng 3%  trẻ nhỏ trên toàn cầu mắc dị ứng đạm sữa bò

Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ là gì?

Theo số liệu thống kê, trên toàn cầu có khoảng 3% bé bị dị ứng đạm sữa bò. Điều này xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ nhạy cảm quá mức với đạm sữa bò và gây ra phản ứng.

Dị ứng đạm sữa bò thường xảy ra ở trẻ ăn sữa công thức, tuy nhiên cũng có một số trường hợp có thể xảy ra ở trẻ bú mẹ. Một số gen đã được xác định trong dị ứng đạm sữa bò. May mắn là khoảng 50% trẻ sẽ hết dị ứng đạm sữa bò khi được 1 tuổi, và hầu hết trẻ sẽ hết bị dị ứng đạm sữa bò khi hơn 3 tuổi. Tuy nhiên, có một tỉ lệ nhỏ các trẻ sẽ bị đến suốt đời.

Triệu chứng khi bé dị ứng sữa bò

Các triệu chứng khi bé bị dị ứng đạm sữa bò thường xảy ra trong vòng vài phút đến vài ngày khi tiếp xúc với sữa bò. Trẻ nhỏ có thể bị phơi nhiễm qua sữa công thức hoặc sữa mẹ của những bà mẹ có chế độ ăn sữa bò hoặc các sản phẩm làm từ sữa bò. Các triệu chứng dị ứng có thể phát triển từ từ hoặc rất nhanh chóng.

Triệu chứng khởi phát từ từ có thể bao gồm:

  • Phân lỏng có máu
  • Nôn ói
  • Không chịu ăn uống
  • Khó chịu hoặc đau bụng
  • Viêm da

Triệu chứng khởi phát nhanh bao gồm:

  • Thở khò khè
  • Nôn ói
  • Sưng phù trên da
  • Cáu gắt
  • Tiêu chảy ra máu
  • Sốc phản vệ

Các triệu chứng dị ứng đạm sữa bò sẽ diễn ra trong vài phút cho đến vài ngày khi tiếp xúc với sữa bò

Chẩn đoán bé bị dị ứng đạm sữa bò bằng cách nào?

Không có xét nghiệm duy nhất để chẩn đoán bé bị dị ứng sữa bò. Chẩn đoán chỉ được xác định khi xem xét các triệu chứng và trải qua quá trình loại trừ các tình trạng y tế khác. Các xét nghiệm để chẩn đoán bé bị dị ứng đạm sữa bò bao gồm:

  • Xét nghiệm phân
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm dị ứng
  • Thử nghiệm với thức ăn

Bác sĩ có thể sẽ phải đề nghị trẻ có một chế độ ăn kiêng, ăn sữa bột không có sữa bò hoặc sữa có đạm được thủy phân. Người mẹ cần loại bỏ sữa bò hoặc các thực phẩm làm từ sữa bò khi đang cho con bú. Đạm trong thực phẩm mà mẹ ăn vào cơ thể có thể xuất hiện trong sữa mẹ trong vòng từ 3 - 6 giờ và có thể duy trì đến 2 tuần. Thông thường, chế độ ăn kiêng sẽ kéo dài ít nhất 1 - 2 tuần. Sữa bò sau đó có thể sẽ được cho trẻ ăn lại để xem các triệu chứng dị ứng có quay trở lại không.

Bé dị ứng sữa bò cần lựa chọn sữa cho bé dị ứng đạm bò như thế nào?

Với trẻ bú sữa mẹ: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Sữa mẹ giúp cân bằng dinh dưỡng, cung cấp chất đề kháng để bảo vệ chống lại bệnh tật, nhiễm trùng và giảm nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ. Trẻ bú sữa mẹ ít có khả năng bị dị ứng thực phẩm và cả những bệnh mãn tính về sau này trong cuộc sống.

Các học viện Nhi khoa Mỹ khuyên các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu đời của trẻ và tiếp tục cho bú đến bất cứ khi nào, ít nhất trong 1 năm đầu đời. Còn Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng khuyến nghị nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho con bú đến khi đứa trẻ được ít nhất 2 tuổi.

Nếu người mẹ đang cho con bú và bé bị dị ứng đạm sữa bò, mẹ cần phải thay đổi chế độ ăn uống, loại bỏ các sản phẩm sữa và thực phẩm được làm từ sữa như sữa, phô mai, sữa chua, kem, bơ, sôcôla, bơ thực vật, thực phẩm chế biến và đóng gói sẵn, xúc xích,… Hầu hết các thực phẩm đều có ghi thành phần cụ thể, vì vậy trước khi ăn, mẹ nên đọc kĩ nhãn mác, tránh những thực phẩm có chứa thành phần là sữa.

Với việc chọn sữa công thức - sữa cho bé dị ứng đạm bò: Không phải mọi bà mẹ đều có thể cho con bú, vì vậy nếu bé bị dị ứng sữa bò thì mẹ nên chọn cho bé chế độ ăn bằng những loại sữa không chứa sữa bò, như các loại sữa hạt cũng rất giàu dinh dưỡng cho trẻ, hoặc các loại sữa cũng làm từ sữa bò nhưng với công nghệ đặc biệt đã cắt nhỏ đạm như sữa có đạm thủy phân. Cần lưu ý rằng những bé bị dị ứng đạm sữa bò cũng có nhiều khả năng sẽ bị dị ứng với sữa dê, sữa cừu, sữa đậu nành,....

Mẹ cần lưu ý chế độ ăn tránh thực phẩm có thành phần là sữa khi cho con bú bằng sữa mẹ

Khi nào trẻ cần gặp bác sĩ?

Nếu em bé của bạn có triệu chứng chứng tỏ bé bị dị ứng với đạm sữa bò, việc xác định nguyên nhân có thể khá khó khăn. Vì vậy mẹ đừng cố gắng tự chẩn đoán vấn đề hoặc thay đổi chế độ ăn cho bé. Hãy đưa bé đến bác sĩ để có được kết luận chính xác và lựa chọn cách điều trị phù hợp. Mẹ cũng hãy hỗ trợ bác sĩ để có được chẩn đoán chính xác bằng việc:

  • Ghi lại thói quen và các triệu chứng xuất hiện sau mỗi lần ăn uống của con.
  • Nếu mẹ đang cho con bú, hãy ghi lại chế độ ăn của mẹ, những thực phẩm mẹ ăn và cách chúng tác động đến em bé.
  • Tìm hiểu lịch sử y tế của gia đình bạn, đặc biệt là xem có ai từng bị dị ứng thực phẩm hay không.

Mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để có được kết luận chính xác và lựa chọn cách điều trị phù hợp

Là một người mẹ, bạn sẽ vô cùng lo lắng khi con gặp phải vấn đề này. Tuy nhiên, có tới 3% bé bị dị ứng sữa bò. Mẹ có thể tham khảo thêm bài viết Bé Bị Dị Ứng Đạm Sữa Bò Phải Làm Sao?.

Nguồn tham khảo:
https://www.healthline.com/health/allergies/milk-protein-allergy-formula-options#1