MyFeed Personalized Content
Bài viết
Add this post to favorites

Trẻ bị dị ứng: Tìm hiểu dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ

Dị ứng thức ăn là gì? Có cách phòng tránh không? Xem ngay bài viết để có thể bảo vệ sức khỏe cho con một cách tốt nhất mẹ nhé!

5 min để đọc Nov 26, 2020

Dị ứng thức ăn là một trong những dạng dị ứng phổ biến nhất. Theo thống kê, cứ 20 trẻ được sinh ra thì 1 trẻ sẽ có khả năng bị dị ứng với thức ăn; vì vậy, việc hiểu rõ về triệu chứng dị ứng là vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe của con. Cùng Nestlé Mom&Me tìm hiểu về dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ nhé.

1. Dị ứng thức ăn là gì?

Dị ứng thức ăn là biểu hiện khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng trước một hoặc nhiều thành phần lạ hay còn gọi là dị nguyên (vô hại với sức khỏe) có trong thức ăn. 

Dị ứng thức ăn thường xảy ra ngay sau khi ăn nhưng có một số ít trường hợp, biểu hiện lại diễn ra sau 12-24 tiếng. Khi trẻ bị dị ứng thức ăn, thường xuất hiện các tình trạng ngứa mắt, chảy nước mắt, hắt hơi, sổ mũi, ngứa họng, khó thở, thở khò khè, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, nổi mẩn đỏ, mề đay, ngứa, phù mặt…. Một số trẻ có biểu hiện thần kinh như nhức đầu, co giật…. Một số trường hợp nặng có thể suy hô hấp, trụy tim mạch, co giật gây nguy hiểm tính mạng

Bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu thấy những biểu hiện nghiêm trọng như khó thở, thở khò khè, tiêu chảy, da nổi bông, tay chân lạnh.. để được can thiệp cấp cứu kịp thời, hạn chế những hậu quả khó lường, kể cả tử vong

2. Nguyên nhân gây ra dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ?

Dị ứng là một bệnh bẩm sinh và có tính di truyền, bất kỳ trẻ em nào khi sinh ra cũng đều có khả năng mắc dị ứng. Nếu trong gia đình có một người mắc bệnh dị ứng thì khả năng trẻ bị dị ứng cũng tăng lên. Theo thống kê, nếu gia đình ba và mẹ  bị hen suyễn, chàm, viêm mũi dị ứng… thì khả năng mắc bệnh của trẻ khi sinh ra tăng đến 50-80%. Nếu ba hoặc mẹ bị dị ứng thì khoảng  20-40% trẻ có nguy cơ bị dị ứng, và ngay cả khi ba và mẹ không bị dị ứng vẫn có 5-15% trẻ nguy cơ mắc bệnh dị ứng

Dị ứng thức ăn xảy ra khi trẻ ăn một loại thức ăn bất kỳ mà hệ miễn dịch của trẻ nhận định sai là chất gây hại. Bất kỳ thức ăn nào cũng có thể gây ra dị ứng. Tuy nhiên, 90% các trường hợp dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ đều gây ra bởi 3 thực phẩm là đậu phộng, trứng và đạm sữa bò:

  • Dị ứng đạm sữa bò là dạng dị ứng thức ăn phổ biến thường gặp ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, khi trẻ bị dị ứng với nguồn đạm có trong sữa bò. Giải pháp là phải lựa chọn các sản phẩm sữa có thành phần đạm thủy phân để tránh nguy cơ dị ứng.
     

Dị ứng đạm sữa bò là dạng dị ứng thức ăn phổ biến thường gặp ở trẻ

  •  Dị ứng trứng và đậu phộng thường xảy ra ở trẻ từ 1-2 tuổi: Thường trẻ sẽ bị dị ứng với lòng trắng trứng, vì vậy, khi cho trẻ ăn dặm, bố mẹ nên cho con làm quen với lòng đỏ trước. Còn đậu phộng thì nên cho trẻ làm quen sau 1 tuổi và cho ăn thử từng ít một để kiểm tra nguy cơ dị ứng.

Hầu hết các tình trạng bé dị ứng đạm sữa bò, dị ứng trứng và đậu phộng đều sẽ giảm dần khi trẻ lớn hơn và trưởng thành.

Tuy nhiên, có một số dạng dị ứng thức ăn đặc thù như dị ứng hải sản hoặc dị ứng các chất phụ gia dùng trong thức ăn như benzoat, salicylate, bột ngọt…thì sẽ theo trẻ đến suốt đời.

3. Phòng tránh dị ứng thức ăn cho trẻ?

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ dị ứng là hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của trẻ được khỏe mạnh bằng việc cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và kéo dài càng lâu càng tốt. Khi cho trẻ dùng sữa công thức thì nên ưu tiên lựa chọn các loại sữa có thành phần đạm thủy phân để giảm nguy cơ bé dị ứng đạm sữa bò.
 

Biện pháp phòng tránh dị ứng thức ăn cho trẻ

Bên cạnh đó, chúng ta không thể ngăn ngừa bệnh dị ứng nhưng có thể sớm phát hiện các dấu hiệu dị ứng thức ăn ở trẻ để thay đổi chế độ dinh dưỡng, hạn chế những ảnh hưởng của dị ứng đến sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy, bố mẹ cần lưu ý:

  • Cho con ăn dặm từ 6 tháng tuổi khi hệ tiêu hóa của trẻ đã sẵn sàng.
  • Khi thử thực phẩm mới, hãy cho con thử từng chút một và theo dõi phản ứng của trẻ. Ngừng cho ăn khi trẻ có dấu hiệu nổi mề đay, ngứa, thở khò khè…
  • Các triệu chứng dị ứng thức ăn có thể xuất hiện tạm thời nên sau 2-4 tuần, bố mẹ có thể cho trẻ thử lại một lượng nhỏ và quan sát tiếp.
  • Với các thực phẩm có khả năng dị ứng cao như tôm, cua, đậu phộng...thì nên cho con làm quen sau 12 tháng tuổi và cẩn thận theo dõi.

Mến chúc trẻ luôn khỏe, phát triển trọn tiềm năng!

Hiệu đính Bác sĩ: ThS.BS Huỳnh Tiểu Niệm – Bộ môn Nhi trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1

Cách phòng tránh dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ