MyFeed Personalized Content
Bé từ 2 - 6 tuổi
Bài viết
Add this post to favorites

Cùng Nestlé Mom & Me tìm hiểu lời khuyên từ bác sĩ về 7 cách phòng ngừa trẻ bị tiêu chảy, giúp trẻ luôn phát triển khỏe mạnh nhé!

Cùng Nestlé Mom & Me tìm hiểu lời khuyên từ bác sĩ về 7 cách phòng ngừa trẻ bị tiêu chảy, giúp trẻ luôn phát triển khỏe mạnh nhé!

7 min để đọc Jul 9, 2022

Tiêu chảy là bệnh phổ biến và thường gặp ở trẻ nhỏ, mẹ thường hay lo lắng khi thấy các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên tiêu chảy cũng là một căn bệnh dễ chữa trị và dễ phòng ngừa. Hãy lắng nghe bác sĩ chuyên khoa chia sẻ những lưu ý về 7 cách phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ nhé!

Biểu hiện của trẻ bị tiêu chảy

Tiêu chảy là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có thể gặp quanh năm, thường hay gặp nhất vào 2 mùa mùa đông xuân và mùa hè. Nguyên nhân gây bệnh gồm có 3 nguyên nhân chính như tiêu chảy do vi sinh vật gồm virut rota hay gặp vào mùa đông, vi khuẩn E.coli, vi khuẩn tiêu chảy lỵ hay gặp mùa hè, kí sinh vật amip gặp quanh năm; tiêu chảy do ăn uống phải thức ăn ôi thiu, không an toàn có thể nhiễm vi sinh vật và tiêu chảy do độc từ rau, thịt không an toàn. Bố mẹ hãy xem thêm Nguyên Nhân Khiến Trẻ Bị Tiêu Chảy để phòng ngừa nhé!
 

Theo như PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ bị tiêu chảy có biểu hiện rất dễ dàng nhận ra như phân nhiều nước và trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày.

 

“Người ta định nghĩa tiêu chảy là khi thấy trẻ đi phân lỏng nhiều nước, trên 3 lần/ ngày. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy còn kèm thêm dấu hiệu khác như nôn, sốt. Nếu trẻ đi ngoài quá nhiều lần trong ngày sẽ gây hiện tượng mất nước, mất điện giải khiến trẻ mệt mỏi, môi khô, mắt trũng, đi tiểu ít, gây trụy tim mạch, nhịp tim đập nhanh, huyết áp tụt xuống có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ”, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Chính vì vậy khi trẻ bị tiêu chảy vì bất cứ nguyên nhân nào, điều đầu tiên bố mẹ phải cho bù nước điện giải bằng cách uống Oresol. Người ta gọi Oresol chính là liều thuốc cứu sống trẻ, do vậy bắt đầu từ lần đầu tiên trẻ bị tiêu chảy, các gia đình nên sử dụng Oresol cho trẻ. Bố mẹ cũng có thể tham khảo thêm bài viết Sai Lầm Khi Tự Chăm Sóc Trẻ Bị Tiêu Chảy Tại Nhà để tránh những lỗi này nhé!

Những lưu ý để phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ em

Dưới đây bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng sẽ chia sẻ 7 điều các cha mẹ nên lưu ý để phòng tránh tiêu chảy ở trẻ em:

Ăn thực phẩm an toàn: 

  • Tiêu chảy là bệnh đường tiêu hóa, chủ yếu do cách ăn uống thường ngày. Vì vậy quan trọng nhất để phòng tránh trẻ bị tiêu chảy đó là phải giữ gìn vệ sinh và phòng ngừa từ những đồ ăn hàng ngày, chọn lựa thực phẩm an toàn, sử dụng các loại bánh và sữa phải đảm bảo chất lượng, kể cả nước uống cũng vậy. Mùa nóng, các gia đình đi du lịch uống nước không tốt cũng dễ gây tiêu chảy.
Bố mẹ cần chọn thực phẩm sạch an toàn để phòng ngừa tiêu chảy cho trẻ

Rửa tay trước khi ăn để phòng tránh trẻ bị tiêu chảy: 

  • Ngoài sử dụng thực phẩm an toàn, vệ sinh tay cũng vô cùng quan trọng. Mọi người từ trẻ nhỏ đến người lớn phải luôn luôn giữ gìn vệ sinh và rửa tay trước khi ăn, bởi nếu thức ăn tốt nhưng tay không được vệ sinh sạch sẽ, dính vi khuẩn, vi rút khi đưa thức ăn vào miệng cũng gây nguy cơ cao bị bệnh tiêu chảy.
  • Việc rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh rất quan trọng, không chỉ phòng ngừa trẻ bị tiêu chảy mà còn phòng được rất nhiều bệnh khác.

Tiêm phòng vắc xin Rota: 

  • Hiện nay có một số vắc xin phòng ngừa trẻ bị tiêu chảy như vắc xin rota. Theo nghiên cứu, những trẻ được tiêm phòng vắc xin hoặc được uống phòng vắc xin Rota tỉ lệ tiêu chảy do vi rút Rota giảm xuống đáng kể.
  • Theo đó, trẻ có thể dùng liều vắc xin đầu tiên kể từ khi được 6 tuần tuổi. Nên cho trẻ uống liều thứ hai cách liều 1 ít nhất 4 tuần. Với 2 liều uống, vắc xin này giúp trẻ chống lại bệnh viêm dạ dày - ruột do vi rút Rota trong vòng 2 năm đầu đời, bảo vệ trẻ em ở thời kỳ cao điểm của bệnh (6 - 24 tháng). Sau khi uống, ngoài việc trẻ được bảo vệ từ 6 - 24 tháng, cơ thể trẻ cũng sẽ tạo miễn dịch sau này.
Tiêm phòng vắc xin Rota là một cách để hạn chế trẻ bị tiêu chảy

 

Thay đổi cách sinh hoạt, lối sống 

  • Cần thay đổi cách sinh hoạt, lối sống cho trẻ. Hiện nay, vì đi du lịch nhiều nên xuất hiện hiện tượng “tiêu chảy du lịch”. Tiêu chảy du lịch xảy ra ở những trẻ sống tại nơi có điều kiện vệ sinh và thực phẩm an toàn, nguồn nước tốt nhưng khi đi du lịch về vùng quê xa xôi hẻo lánh, điều kiện vệ sinh và môi trường nước không tốt thì rất dễ xảy ra tiêu chảy. Do vậy ngoài việc phòng ngừa trẻ bị tiêu chảy bằng cách giữ gìn vệ sinh, rửa sạch tay, mang theo thực phẩm an toàn khi đi du lịch, bố mẹ cũng nên mang một số loại thuốc đề phòng tiêu chảy.  

Vệ sinh tập thể, nhà trẻ mẫu giáo

  • Ở nơi tập thể như nhà trẻ, mẫu giáo, 1 trẻ bị tiêu chảy rất dễ lây sang những trẻ khác, vì vậy nhà trẻ, mẫu giáo cần giữ gìn vệ sinh chỗ vui chơi của trẻ. Nền nhà phải được tẩy trùng sạch sẽ, đồ ăn, đồ dùng không được dùng chung. 
  • Đặc biệt, không nên đút cho trẻ ăn chung hay sử dụng khăn lau miệng chung bởi những động tác đơn giản này có thể dễ dàng lây nhiễm tiêu chảy cho trẻ rất nhanh.
     
Cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ thường xuyên ở nhà trẻ, mẫu giáo

 

Không nên dùng thức ăn lưu trữ trong tủ lạnh

  • Mùa hè nóng bức, các gia đình có thói quen lưu trữ thức ăn trong tủ lạnh để bữa sau mang ra hâm nóng sử dụng tiếp. Tuy nhiên việc hâm nóng nhiều khi không đủ giết chết các vi khuẩn ở trong đồ ăn khiến ăn vào dẫn đến trẻ bị tiêu chảy. Có thể người lớn ăn thức ăn đó không bị làm sao nhưng trẻ em bụng dạ yếu sẽ dễ bị tiêu chảy khi ăn phải.

Vệ sinh dụng cụ pha sữa sạch sẽ

  • Trẻ bú sữa mẹ là một cách để phòng ngừa trẻ bị tiêu chảy. Trẻ sinh ra được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời sẽ ít bị tiêu chảy hơn trẻ không được bú sữa mẹ, hoặc trẻ được bú sữa mẹ một lượng ít kết hợp với sữa ngoài, bởi trong sữa mẹ có nhiều kháng thể và vệ sinh nhất.
  • Nếu trẻ ăn sữa ngoài, khuyến cáo nên cho trẻ ăn bằng cốc và thìa là tốt nhất bởi dễ giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Bình sữa, núm vú cao su có nhiều trường hợp không vệ sinh được sạch sẽ nên sẽ dễ dẫn đến trẻ bị tiêu chảy.
  • Nhiều mẹ cho rằng, bình sữa, núm vú cao su được tráng nước đun sôi và được luộc kỹ là tiệt trùng nhưng vẫn rất khó sạch sữa của lần trước để lại, hơn nữa vi khuẩn đã chết vẫn còn xác vi khuẩn ở lại. Bình sữa hay núm vú cao su được rửa sạch là khi không còn ngửi thấy mùi sữa, mùi của nó phải giống như khi mua về mới đạt yêu cầu.
Nên cho trẻ uống sữa bằng cốc và thìa để giữ gìn vệ sinh sạch sẽ

 

  • Ngoài ra, khi rửa xong bình thường úp bình xuống để ráo nước, khô nhanh nhưng việc dốc ngược bình xuống như vậy sẽ làm cho nước bay hơi đọng lại trong bình. Cách tốt nhất đó là nên để miệng bình ngửa lên và để khô tự nhiên.
  • Bệnh cạnh đó, nhiều bố mẹ mua sữa ngoài nhưng con ăn ít, mở nắp để hơn 1 tuần hoặc nửa tháng chưa ăn hết, việc mở nắp hộp sữa lâu và mở ra mở vào nhiều lần sẽ khiến sữa không còn an toàn nữa, rất dễ khiến trẻ bị tiêu chảy.
     
Ăn thực phẩm an toàn, rửa tay, tiêm phòng vắc xin Rota, thay đổi lối sống, vệ sinh nhà trẻ, không dùng thức ăn dự trữ, và vệ sinh dụng cụ pha sữa là 7 cách để phòng ngừa trẻ bị tiêu chảy