MyFeed Personalized Content
Bé từ 2 đến 6 tuổi
Bài viết
Add this post to favorites

Giáo dục sớm cho trẻ mầm non phát triển nhận thức là gì?

Xem ngay những gợi ý để áp dụng phương pháp giáo dục sớm, giúp phát triển nhận thức cho trẻ mầm non hiệu quả!

6 min để đọc Nov 3, 2021

Giai đoạn từ 0-6 tuổi, não bộ của trẻ có sự phát triển mạnh mẽ cả về “lượng và chất”. Trên cơ sở đó, nhiều phương pháp giáo dục sớm cho trẻ đã được áp dụng cho độ tuổi này, nhằm phát huy tối đa những khả năng và tố chất của trẻ, giúp trẻ có nền tảng vững chắc về sức khỏe, trí tuệ, và nhân cách. Vậy những phương pháp nào mang lại hiệu quả, giúp phát triển nhận thức cho trẻ mầm non?

Quá trình phát triển của não bộ và sự cần thiết của giáo dục sớm 

Bộ não của con người không giống với bất cứ một cơ quan nào trên cơ thể. Bởi vì sau khi sinh ra, nó vẫn chưa phát triển hoàn toàn, nó sẽ tiếp tục phát triển cùng với những trải nghiệm, kích thích cũng như tương tác với bố mẹ trong vài tháng hoặc vài năm đầu đời.

  • Khi trẻ được 2- 4 tuần tuổi, thể tích não bộ bằng khoảng 36% thể tích não bộ của người lớn.
  • Lúc 1 tuổi, thể tích tăng gấp đôi (bằng khoảng 72%). 
  • Đến năm 3 tuổi, bằng 80% thể tích não bộ của người lớn.

Khi trẻ sơ sinh mới sinh ra đời, não bộ đã có tới 100 tỷ tế bào thần kinh, nhưng lúc này các sợi nhánh và các trục thần kinh chưa hình thành nhiều, chưa có thông tin truyền qua lại giữa các no-ron (tế bào thần kinh).  Trong số các tế bào đó, cái nào phát triển, cái nào mất dần đi sẽ do yếu tố môi trường quyết định. 

Ví dụ, lúc mới sinh ra, việc thay đổi môi trường khiến trẻ phải đón nhận ánh sáng, nghe các âm thanh, các tế bào khu vực thính giác và thị giác phát triển. Tương tự như vậy, khi trẻ được tiếp xúc càng nhiều với môi trường xung quanh và sự tương tác giữa bố mẹ với trẻ, các tế bào não sẽ được kích thích, chúng bắt đầu liên hệ với nhau, các sợi thần kinh nhánh mới bắt đầu phát triển; lúc này, khả năng tư duy, suy nghĩ, nhận thức của trẻ mới hoàn thiện dần theo từng ngày. Như vậy, việc giáo dục sớm là cần thiết để giúp trẻ hoàn thiện não bộ và chính bố mẹ là những người thầy đầu tiên dạy con thông minh hơn mỗi ngày.

Khi não bộ phát triển, trẻ sẽ thông minh hơn và phát triển nhận thức tốt hơn thông qua các trải nghiệm hàng ngày. Đặc biệt, khi đi mẫu giáo, trẻ được học hỏi nhiều điều mới lạ, khả năng tư duy cũng phát triển. Chính vì vậy, việc giáo dục sớm, đặc biệt là ở giai đoạn trước khi đi mẫu giáo sẽ giúp tạo nền tảng sẵn sàng để phát triển nhận thức cho trẻ mầm non.
 

Giáo dục sớm giúp trẻ mầm non phát triển nhận thức tốt hơn

 

Quá trình phát triển nhận thức của trẻ 

Lúc mới sinh ra, trẻ chưa có tư duy. Trẻ nhận biết sự vật, hiện tượng xung quanh thông qua các giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác. Sự phát triển tư duy của trẻ chỉ bắt đầu lúc 2 tuổi. Đặc điểm tư duy giai đoạn này là loại tư duy trực quan hành động, nghĩa là trẻ sẽ phải hành động trực tiếp với đồ vật theo cách thử và sai, nhiều khi ngẫu nhiên tìm ra cách làm.

Khi chuẩn bị đi mẫu giáo, bên cạnh tư duy trực quan hành động, bắt đầu xuất hiện một số các hoạt động tư duy thực hiện trong não bộ của trẻ, với hình ảnh biểu tượng của đồ vật (do hoạt động với đồ vật lâu ngày, dần thành hình ảnh biểu tượng trong đầu trẻ) và đó là kiểu tư duy trực quan hình tượng. 

Ví dụ trò chơi xếp hình các con vật, do trẻ đã nhiều lần thấy, tiếp xúc với con vật nên trẻ đã có những biểu tượng của các con vật trong đầu. Nhờ có tư duy trực quan hình tượng mà trẻ có thể dự kiến kết quả của hành động bên ngoài và lập kế hoạch hành động.

Khi 4-5 tuổi, khả năng giải quyết vấn đề thông qua tư duy hình tượng của trẻ đã tăng lên rõ rệt. Sau 5 tuổi, tư duy hình tượng của trẻ phát triển khá tốt trong các mặt như hội họa, kể chuyện, lao động thủ công, hoạt động âm nhạc… Dựa trên cột mốc phát triển tư duy của trẻ, bố mẹ có thể lựa chọn các hoạt động, trò chơi hoặc phương pháp giáo dục sớm phù hợp giúp trẻ phát triển nhận thức tối ưu.

 

Chơi trò chơi là cách hiệu quả giúp phát triển nhận thức cho trẻ mầm non
 

Những trò chơi giúp phát triển nhận thức cho trẻ mầm non

  • Trò chơi đóng vai: Trò chơi này giúp trẻ tìm hiểu quy tắc xã hội thông qua các vai diễn, học tập hành vi xã hội, trải nghiệm tình cảm xã hội. bố mẹ tổ chức các trò chơi đóng vai cùng với bé với những đồ chơi thích hợp: bác sĩ, y tá, bệnh nhân, nhân viên vệ sinh, thợ cắt tóc, khách hàng và đổi vai trong những lần chơi. Trò chơi này giúp bé tăng khả năng tưởng tượng và nhập vai, hiểu được vai trò của các nghề nghiệp, sinh hoạt xã hội. Thông qua các trò chơi này bố mẹ cũng có thể dạy bé nhiều về những thói quen tốt cũng như các kỹ năng xã hội quen thuộc như mua bán, biết dạ thưa, cám ơn, xin lỗi...
  • Truy tìm kho báu: Bố mẹ sẽ dấu 1 món đồ bé rất thích và đưa ra nhiệm vụ để bé truy tìm món đồ đó và có phần thưởng, lời khen khi bé tìm ra. Tùy theo độ tuổi và khả năng suy nghĩ của con, bố mẹ có thể đưa ra các gợi ý phù hợp để giúp bé tìm ra đồ vật. Trò chơi này vừa vui vừa giúp bé tăng cường khả năng suy nghĩ logic, kết hợp nhiều kỹ năng khác nhau từ vận động, giao tiếp, quan sát và lên kế hoạch. Khuyến khích bé chơi trò này cùng bạn bè hoặc anh chị em trong nhà để phát triển mối quan hệ và cả kỹ năng "làm việc nhóm".

Hiệu đính Bác sĩ: ThS.BS Hoàng Phương Anh - Phân môn Tâm Thần nhi chu sinh
Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch