MyFeed Personalized Content
Bài viết
Add this post to favorites

Mang thai tuần 16

Tuần này, trẻ đã có thể cử động môi rồi đấy. Nếu bạn đi siêu âm, bạn sẽ thấy cảnh tượng vô cùng đáng yêu đó là con đang mút ngón tay của mình. Còn gì thú vị nữa nhỉ? Đọc để khám phá thêm nha.

3 min để đọc Sep 28, 2021

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI

Nếu bạn chưa cảm nhận được những chuyển động của con trong những tuần trước thì tuần này, bạn sẽ thấy rõ đấy. Tuy nhiên, những chuyển động này vẫn rất nhẹ, cảm giác như có “bướm bay” hoặc các bong bóng li ti trong bụng của bạn vậy. Hãy chú ý thật kỹ để cảm nhận niềm hạnh phúc này nhé.

THAY ĐỔI CƠ THỂ CỦA BÀ BẦU

Bắt đầu từ tuần này, bạn sẽ có xu hướng "thèm ăn" một vài món ăn hoặc thực phẩm đặc biệt. Không phải do bạn đang thiếu chất dinh dưỡng hay gì đâu, mà chẳng qua đây là tác dụng phụ do hormones tiết ra trong thai kỳ mà thôi. Việc này cũng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nên có thể "nuông chiều" bản thân một chút đấy. Tuy nhiên, nếu bạn thèm ăn những món chiên xào, dầu mỡ hoặc không tốt cho sức khỏe thì hãy cố gắng tiết chế lại vì chúng không tốt cho sự phát triển của con đâu.

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO BÀ BẦU

Hãy bổ sung vitamin A đầy đủ vì đây là dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển của thai nhi và cả sức khỏe của mẹ nữa. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý bổ sung vitamin A bằng các loại thực phẩm chức năng vì thiếu hay thừa vitamin A cũng gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và con. Lưu ý rằng một số sản phẩm dưỡng da có chứa vitamin A cũng không được sử dụng lúc đang mang thai. Bạn nên ưu tiên bổ sung vitamin A thông qua thực phẩm. Những thực phẩm giàu vitamin A là sữa, chế phẩm từ sữa, lòng đỏ trứng, rau xanh thẫm như rau bina, bắp cải xanh, các loại củ có màu cam, đỏ như cà chua, cà rốt hoặc các loại trái cây màu vàng như xoài, cam...

LƯU Ý:

Hai vợ chồng bạn có thể bắt đầu tìm hiểu về các lớp tiền sản. Đây là những lớp học tập trung chia sẻ về những điều bạn cần chuẩn bị trước khi sinh, các dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện, kỹ năng cần thiết để chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như: cách cho con bú đúng tư thế, cách bế trẻ, cách thay tã, cách vệ sinh rốn, cách tắm cho con....Bạn có thể chờ đến tháng 6 để tham gia các lớp tiền sản này nhưng việc tranh thủ thời gian tìm hiểu trước sẽ giúp bạn chủ động hơn. Nhớ rủ cả bố của bé cùng tham gia nhé.