MyFeed Personalized Content
Bài viết
Add this post to favorites

Mang thai tuần 3

Hành trình làm mẹ của bạn chỉ vừa mới bắt đầu, bạn sẽ chưa cảm nhận được những thay đổi trên cơ thể của mình đâu nhưng em bé thì đang dần thành hình rồi đấy.

4 min để đọc Sep 20, 2021

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI

Tim thai lúc này đã đập rồi đấy.

Chỉ là một điểm rất nhỏ, đĩa phôi cũng chính là phôi thai đã phát triển với 3 lớp tế bào và dần hình thành nên những bộ phận khác nhau của cơ thể.

- Lớp tế bào bên trọng - nội bì - sẽ hình thành các cơ quan tiêu hóa, gan, tuyến tụy và các cơ quan hô hấp.

- Lớp tế bào bên ngoài - ngoại bì - sẽ hình thành hệ thần kinh, da, móng và tóc.

- Lớp tế bào thứ ba - trung bì - sẽ hình thành cấu trúc xương, tim, đường tiết niệu và các cơ quan sinh dục của trẻ.

- Chính giữa của lớp trung bì là dây sống, đóng vai trò như là xương sống tạm thời của thai, từ đó hệ thần kinh trung ương, não và đầu sẽ hình thành.

Đĩa phôi tăng từ 0,4mm lên đến 1,5-2,5mm vào cuối tuần 3 thai kỳ.

THAY ĐỔI CƠ THỂ CỦA BÀ BẦU

Thay đổi rõ ràng nhất là bạn không có kinh nguyệt. Ban đầu, bạn có thể nghĩ việc này là bình thường nhưng sau đó, bạn thấy mình đã chậm kinh quá lâu và quyết định thử thai. Kết quả là "hai vạch"; xin chúc mừng bạn đã "lên chức" và bắt đầu một trong những hành trình tuyệt vời nhất - hành trình làm mẹ.

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO BÀ BẦU

Khi biết mình mang thai, bạn bắt đầu chăm sóc bản thân cẩn thận hơn và băn khoăn "mình có nên bắt đầu ăn cho cả 2 người" đúng không? Câu trả lời là bạn không nên ăn lượng thức ăn gấp đôi hoặc quá nhiều so với sức ăn bình thường. Điều quan trọng là bạn phải chọn những thực phẩm chất lượng để bổ sung đúng những dưỡng

chất quan trọng mà cơ thể cần; và hai chất dinh dưỡng quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn đầu của thai kỳ là axit folic và sắt.

Axit Folic có công dụng làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho thai nhi và giúp cơ thể tạo ra các tế bào mới. Trong những tuần đầu tiên, vai trò của Axit Folic vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ ống thần kinh của trẻ phát triển thành cột sống và não bộ. Axit Folic có nhiều trong các loại rau lá xanh đậm như cải xoăn và rau bina; hoặc các loại đậu như đậu hà lan, đậu gà; hoặc các loại ngũ cốc nguyên cám.

Khi mang thai, nhu cầu sắt của cơ thể sẽ tăng cao, vì vậy, đây là dưỡng chất không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu. Sắt giúp vận chuyển oxy qua máu và cần thiết cho sự phân chia tế bào, giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, khi mang thai, cơ thể bạn sẽ cần nhiều sắt hơn để hình thành hồng cầu, tăng lượng máu để "dự trữ" cho thai nhi và nhau thai. Sắt có nhiều trong các thực phẩm từ động vật như thịt đỏ, hải sản, thịt gia cầm...hoặc các loại đậu như đậu hà lan, đậu lăng, rau bina, trái cây và ngũ cốc nguyên cám bổ sung sắt. Để giúp cơ thể hấp thu sắt từ thực vật (rau củ) tốt hơn, bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C như cam, cà chua.

Bạn nên liên hệ với chuyên gia y tế, bác sĩ để được tư vấn liều lượng hợp lý, đúng nhu cầu của cơ thể trước khi sử dụng thực phẩm chức năng để bổ sung sắt, axit folic hoặc bất kỳ các vitamin và khoáng chất nào nhé.

LƯU Ý:

Một số thực phẩm bà bầu không nên ăn vì chứa nhiều độc tố, hoặc có chứa vi khuẩn và có thể gây hại cho thai nhi như hải sản sống, sushi, sashimi, thịt tái, thịt gia cầm và trứng sống. Với các loại rau củ quả ăn sống như xà lách, cà chua,...bạn nên rửa thật sạch trước khi sử dụng. Tránh ăn mayonnaise hoặc các loại xà lách trộn với sốt làm từ trứng sống.