MyFeed Personalized Content
Bài viết
Add this post to favorites

Bí quyết giúp giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3” trở nên nhẹ nhàng

Những cơn bực bội, cáu kỉnh thường xuyên, cùng nhiều lần ăn vạ nơi công cộng của bé rất dễ khiến bố mẹ cảm thấy nặng nề, mệt mỏi và thậm chí là bất lực. Với 2 bí quyết quan trọng được chia sẻ bởi chuyên gia Anh Nguyễn (bệnh viện Hoàng gia Worcester - Anh), mẹ sẽ tìm được giải pháp đúng để những cơn khủng hoảng tuổi lên 3 trở thành một cuộc dạo chơi và học hỏi đầy thú vị về cuộc sống xung quanh của bé.

4 min để đọc Jan 6, 2020

Lắng nghe và hỏi han

Khi trẻ đang cáu gắt hoặc tỏ ra chống đối, bất hợp tác, điều đầu tiên mẹ nên làm là hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân cơn giận của con. Đừng vội mắng con hoặc buộc con ngay lập tức phải làm đúng theo ý mình, mà hãy hỏi bé, tại sao con lại muốn làm như vậy.

Hình minh họa các bí quyết xử lí giai đoạn khủng hoảng

Những câu hỏi giúp mẹ và con thấu hiểu nhau hơn

Ví dụ, khi hai mẹ con đang về nhà giữa trưa nắng, bé bất chợt trở nên bực bội, cằn nhằn đòi vứt chiếc mũ đang đội trên đầu ra, không đội nữa. Thay vì nghiêm mặt, buộc con phải ngoan, đội mũ ngay ngắn trên đường về, mẹ có thể cúi người thấp ngang tầm mắt bé và hỏi: “Tại sao con lại không muốn đội mũ nữa?”.

Với những lý do bé đưa ra sau đó, mẹ sẽ biết được nguyên nhân thực sự đằng sau cơn “khó ở” của con, chẳng hạn như quai mũ cộm làm đau đầu bé, hoặc bé bị ngứa khi đội mũ. Bằng cách đó, mẹ có thể vừa giúp giải quyết vấn đề của con, vừa khiến con hợp tác hơn (sau khi được mẹ sửa lại mũ, dễ chịu hơn khi đội). Hơn nữa, bé sẽ hiểu rằng, trong những lần sau, khi gặp vấn đề con sẽ biết cách cho mẹ biết, nhờ sự giúp đỡ từ mẹ thay vì tỏ ra cáu kỉnh.

Quan sát và kể chuyện

Trong một trường hợp khác cũng thường xuyên gặp phải ở các bé độ tuổi lên 3: khi bé theo mẹ đi siêu thị, thường con sẽ rất thích chọn các món bánh kẹo đủ màu sắc và cho vào xe đẩy, đòi mẹ mua cho bằng được. Lúc này, chuyên gia Anh Nguyễn khuyên mẹ không chỉ hỏi han để tìm hiểu nguyên nhân (vì nguyên nhân đã quá rõ ràng: con thích ăn kẹo!), mà mẹ cần quan sát nhanh các món trẻ cho vào xe đẩy rồi gợi ý cho bé lựa chọn trong giới hạn 2 món: “Mẹ chỉ đủ tiền mua 1 món, hoặc gói kẹo này hoặc bịch bánh này, con chọn 1 cái con thích nhé!”.

Bằng cách đó, bé vừa không có cảm giác bị “mất trắng” thành quả lựa chọn, vừa thể hiện được quyền được quyết định của mình, và mẹ sẽ tránh được khả năng xảy ra một cơn ăn vạ “đầy nước mắt” ở quầy thu ngân. Sau đó, trên đường về, mẹ có thể kể cho bé nghe câu chuyện về tác hại của việc ăn kẹo ngọt.

Hình minh họa các bí quyết xử lí giai đoạn khủng hoảng

Lời nói sống động, giàu hình ảnh khiến trẻ thích thủ và nhớ lâu

Ở độ tuổi này, các bé rất thích những câu chuyện kể, vì vậy khi mẹ dùng ngôn ngữ sống động, dễ hiểu và hình ảnh rõ ràng, con sẽ ngay lập tức tiếp thu câu chuyện. Chẳng hạn như, “ngày xưa mẹ ăn nhiều kẹo và bị sâu răng, thủng một lỗ rất to phải trám lại. Con xem, cái đốm to màu đen trên răng mẹ này, vừa xấu vừa gây đau nữa đó.” Với hình ảnh trực quan sinh động, con sẽ dễ hiểu và trong những lần sau, khi bé tiếp tục đòi mua nhiều bánh kẹo, mẹ có thể nhắc lại câu chuyện “cái răng bị thủng một lỗ to”, bé sẽ nhanh chóng nhớ ra ngay.

Tóm tắt: Trước những cơn bực bội, bất hợp tác của con, mẹ nhớ các bước lắng nghe- hỏi han và quan sát – kể chuyện, để giải tỏa sự cáu kỉnh của con và giúp bé khám phá thêm những cách giao tiếp và các kiến thức sinh động về cuộc sống nhé.