MyFeed Personalized Content
Bài viết

Bé chậm tăng cân và những điều mẹ cần biết

Tìm hiểu ngay lí do bé chậm tăng cân để có phương pháp xử lý phù hợp, giúp bé phát triển khỏe mạnh mẹ nhé!

5 min để đọc Jan 8, 2020

Bé chậm tăng cân là một trong những vấn đề khá phổ biến. Tình trạng này xảy ra khi bố mẹ hoặc bác sĩ chuyên khoa nhận thấy trẻ kém phát triển hoặc cân nặng của bé không tăng trưởng theo mức trung bình. Khi tình trạng này diễn ra trong thời gian dài hoặc nghiêm trọng, bác sĩ có thể kết luận trẻ bị chậm tăng trưởng hoặc suy dinh dưỡng.

Khi nào bé chậm tăng cân cần được chú ý?

Điều quan trọng khi nói về cân nặng của bé là phải so sánh với chiều cao để đảm bảo rằng trẻ có tăng cân phù hợp với chiều cao hay không. Mối tương quan về chiều cao và cân nặng thường sẽ được vẽ bằng biểu đồ hoặc theo chỉ số BMI - chỉ số khối cơ thể.

Theo các chuyên gia, đôi khi trẻ mới biết đi sẽ giảm cân bởi giai đoạn này trẻ sẽ năng động hơn. Lúc này, cân nặng của bé có thể sẽ giảm so với chiều cao nhưng đứa trẻ vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ bình thường theo tuổi của chúng.

Tuy nhiên, khi có sự sụt giảm đột ngột đáng kể về cân nặng thì bố mẹ cần đặc biệt chú ý. Lúc này, bố mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể bé chậm tăng cân là do đâu.

Khi có sự sụt giảm đột ngột đáng kể về cân nặng của trẻ thì bố mẹ cần đặc biệt chú ý

 

Vì sao bé chậm tăng cân?

Nói về lý do bé chậm tăng cân có thể là vì những nguyên nhân dưới đây:

Lượng calo nạp vào không đủ

Nguyên nhân phổ biến nhất chiếm hơn 90% các trường hợp bé chậm tăng cân là do lượng calo nạp vào không đủ. Điều này có thể xảy ra khi trẻ không hứng thú với việc ăn uống vì nhiều lý do khác nhau, hoặc chế độ dinh dưỡng không đáp ứng đủ nhu cầu calo của trẻ. Trường hợp này cũng có thể xảy ra với trẻ mới biết đi khi trẻ năng động hơn, tập trung vào việc tập đi mà nhất thời lười ăn hơn.
Thậm chí, ngay cả với trẻ sơ sinh vài tháng đầu đời điều này cũng có thể xảy ra do nguồn sữa mẹ không đủ hoặc việc pha sữa công thức không đúng cách. Mẹ có thể tham khảo thêm Hướng dẫn cách pha sữa NAN đúng chuẩn để pha sữa đúng cách mẹ nhé!

Trẻ gặp các vấn đề khi bú hoặc ăn

Việc bé chậm tăng cân cũng có thể là vì trẻ không bú được tốt do bị tăng độ nhạy cảm ở miệng hoặc gặp các vấn đề về thần kinh. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến khả năng nuốt của bé và có thể gây ra bởi các tình trạng như bại não hoặc hở hàm ếch.

Trẻ hay bị nôn trớ

Đôi khi, một đứa trẻ không thể giữ sữa hoặc thức ăn nạp vào cơ thể do bị nôn ói quá nhiều. Nguyên nhân có thể do bé bị trào ngược dạ dày thực quản nghiêm trọng. Ở những em bé có vấn đề thần kinh, điều này cũng có thể xảy ra.
Thông thường hầu hết trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày thực quản sẽ tự cải thiện và trẻ sẽ tiếp tục tăng cân mà không gặp phải bất cứ vấn đề gì đáng ngại. Tuy nhiên, hiếm gặp hơn một số trường hợp trẻ bị nôn quá nhiều có thể do bị hẹp dạ dày (hẹp môn vị). Trong trường hợp này, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được siêu âm và chẩn đoán bệnh chính xác.

Bé chậm tăng cân và có biểu hiện nôn trớ nguyên do có thể là do trào ngược dạ dày

Trẻ gặp vấn đề về tuyến tụy

Một đứa trẻ không có khả năng tiêu hóa thức ăn do tuyến tụy hoạt động kém cũng là nguyên nhân khiến bé chậm tăng cân. Trong trường hợp này, phân của trẻ thường lỏng và có mùi hôi.

Trẻ mắc bệnh ở đường ruột

Rối loạn ảnh hưởng đến niêm mạc ruột bao gồm bệnh celiac (không dung nạp gluten) hoặc bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng) cũng có thể khiến bé chậm tăng cân. Với bệnh celiac thường xảy ra khi thực phẩm cho trẻ ăn có chứa gluten.

Trẻ có bệnh lý khác

Tuy không phổ biến nhưng một số bé chậm tăng cân có thể do mắc một số bệnh lý như:

  • Tuyến giáp hoạt động quá mức khiến cơ thể trẻ có thể đốt cháy quá nhiều calo khiến bé chậm tăng cân.
  • Một đứa trẻ bị bệnh lý tim dẫn đến suy tim cũng có thể bú mẹ kém hoặc ăn kém.
  • Suy thận hoặc các rối loạn ở thận khác cũng ảnh hưởng đến việc tăng cân và chiều cao của trẻ.

Rối loạn di truyền

Một số trẻ có thể bị rối loạn di truyền sẽ ảnh hưởng đến việc tăng cân và trường hợp này cũng cần đi khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Khá nhiều bệnh lý có thể khiến bé chậm tăng cân đáng kể

Cần xử trí thế nào?

Nếu bạn đang lo lắng rằng bé chậm tăng cân, hãy tìm đến các bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa để tìm nguyên nhân chính xác. Trẻ sẽ được khám và làm các xét nghiệm cần thiết để tìm hiểu nguyên nhân y tế bên cạnh nguyên nhân đơn giản có thể do trẻ không nạp đủ lượng calo.
Đối với bé chậm tăng cân, hầu hết các bé cần được tăng lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày bằng những cách tinh tế từ phía bố mẹ, như tạo ra những chế độ dinh dưỡng phong phú, thực đơn đa dạng, đẹp mắt và bổ sung dầu ăn vào thức ăn. Bố mẹ có thể tham khảo thêm Bữa Ăn Dinh Dưỡng Cho Bé Theo Từng Độ Tuổi.
Nếu mẹ đã tăng lượng calo bổ sung cho trẻ mà bé vẫn chậm tăng cân thì cần được khám để theo dõi và đánh giá bởi chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ nhi khoa. Thậm chí, bé chậm tăng cân trong thời gian dài có thể cần được thực hiện ăn bổ sung bằng cách đặt ống truyền thức ăn trực tiếp vào dạ dày.
Nguồn tham khảo:
https://health.clevelandclinic.org/10-possible-reasons-why-your-child-is-not-growing/