MyFeed Personalized Content
Bé từ 2 - 6 tuổi
Bài viết
Add this post to favorites

Xây dựng thói quen ăn uống cho trẻ (phần 1)

Tham khảo ngay những cách xây dựng cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh, giúp trẻ luôn vui vẻ trong mỗi giờ ăn và phát triển khỏe mạnh nhé!

6 min để đọc Jan 6, 2020

Theo chia sẻ của chuyên gia dinh dưỡng Anh Nguyễn, hiện đang làm việc tại bệnh viện Hoàng gia Worcester (Anh), ăn uống là một quá trình giáo dục tuyệt vời khi cha mẹ kiên nhẫn và tôn trọng ý kiến riêng của trẻ. Sự tận tâm từ những người quan trọng sẽ giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống tốt về sau. Bên cạnh đó còn giúp trẻ hứng thú hơn trong việc ăn uống, dễ dàng hơn khi làm quen với đa dạng thực phẩm dinh dưỡng, giảm tình trạng chán ăn.

Dưới đây là một số hướng dẫn cụ thể dựa trên nhiều bằng chứng nghiên cứu về hành vi ăn uống ở trẻ mà cha mẹ có thể áp dụng ngay tại nhà.

Ăn uống là một quá trình học hỏi

Phần lớn chúng ta thường suy nghĩ rằng ăn uống là một vấn đề đơn giản, chỉ cần đói là ăn nhưng thực tế thì việc ăn không được lên kế hoạch trước có thể gây nên nhiều hậu quả về sau. Do đó, trẻ em cần hiểu về quy chuẩn càng sớm càng tốt vì điều này góp phần hình thành nên thói quen ăn uống lành mạnh đồng thời tăng sự hứng thú, yêu thích khi ăn uống. 

Hiểu về quy chuẩn sẽ góp phần hình thành thói quen ăn uống cho trẻ

 

Những trường hợp bế trẻ đi lòng vòng hoặc tiếp xúc với các thiết bị điện tử (tivi, ipad,…) để đút ăn phá vỡ các quy chuẩn. Đó là lý do tại sao trẻ lại phản kháng, khó chịu khi cha mẹ muốn trẻ ăn đúng quy chuẩn.

Ghi nhớ quy chuẩn ăn uống để hình thành thói quen ăn uống cho trẻ

Quy chuẩn ăn uống gồm 3 yếu tố: môi trường ăn, lượng thức ăn và cách cho ăn.

Môi trường ăn: 
Hạn chế các thiết bị công nghệ khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Khi trẻ 3 tuổi, nên cho trẻ ngồi ăn cùng gia đình để sớm hình thành thói quen ăn uống tốt. Mẹ có thể tham khảo thêm bài viết Cách Cho Bé Ăn Dặm Cùng Cả Nhà để tạo cho bé môi trường ăn uống thoải mái nhất nhé!

Lượng thức ăn

Tăng dần đến khi trẻ ra tín hiệu dừng, đó là lượng ăn theo nhu cầu của trẻ. Tâm lý của cha mẹ thường muốn con ăn nhiều hoặc so sánh bạn bè đồng trang lứa nhưng con của bạn là một cá thể riêng biệt, có sở thích và tính cách đặc trưng.

Hơn nữa, hành vi ăn uống của trẻ không giống như người lớn, khi cảm thấy đói thì trẻ sẽ ăn mà không cần chờ đến bữa. Do đó, khi trẻ không chịu ăn trong bữa chính, cha mẹ nên chuẩn bị sẵn những thực phẩm dinh dưỡng khác như bánh tự làm, sữa tiện lợi, để ở nơi bé có thể tự lấy ăn hoặc nói với bé về nơi đó như “đây là nơi nạp năng lượng siêu nhân của mẹ”. Trẻ sẽ không bao giờ để mình đói, cha mẹ chỉ cần quan sát dấu hiệu để cho trẻ ăn.

 

Quy chuẩn ăn uống gồm 3 yếu tố là môi trường ăn, lượng thức ăn và cách cho ăn

 

Cách cho ăn: 

Cần đa dạng món ăn cho trẻ và tôn trọng nhu cầu của trẻ. Nhiều cha mẹ chỉ chú ý lượng ăn nhưng bỏ qua sự thay đổi để tạo khác biệt, tăng mức độ hào hứng khi ăn. Trẻ cần học điều này sớm trước 4 tuổi, bao gồm về cấu trúc thức ăn, các loại thực phẩm và cách ăn (như trẻ muốn bốc ăn hay tự múc ăn). Mẹ có thể tham khảo thêm bài viết Thực Đơn Ăn Dặm Của Bé Cần Bổ Sung Dưỡng Chất Nào? để đa dạng nguồn dinh dưỡng cho bé.                               

Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh bắt đầu từ việc tôn trọng sở thích của trẻ

Ở một số giai đoạn, vị giác của trẻ bị ảnh hưởng bởi một loại mùi vị cụ thể nên trẻ sẽ thích hoặc không thích ăn nhiều món. Điều này là tạm thời và trẻ có thể tiếp tục thử đa dạng thực phẩm dinh dưỡng khi cha mẹ kiên nhẫn lặp lại sau 2 ngày. Các gợi ý đơn giản để xây dựng thói quen ăn uống cho trẻ như sau:

  • Nếu trẻ từ chối ăn thịt/cá: Vậy trong thực đơn cho trẻ nên tách thịt/ cá ra khỏi cháo hoặc cơm (cha mẹ thường xay nhuyễn hoặc xé nhỏ chà bông bỏ vào cháo, cơm cho trẻ). Một cách khác là kết hợp chất đạm với rau xanh, củ quả sẽ giúp trẻ dễ chấp nhận hơn. Điều này còn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh hơn nhờ hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng trong thói quen ăn uống này.

 

Bữa ăn nên kết hợp chất đạm của thịt cá với rau củ quả sẽ đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ

 

  • Nếu trẻ từ chối ăn rau củ: Vậy các món ăn cho trẻ trong bữa chính không nên có trái cây (trừ các loại có vị chua như kiwi, cam, bưởi và ăn sau bữa ăn khoảng 30 phút). Đặc biệt, cha mẹ không nên cho bé ăn dưa hấu trong bữa ăn với các loại thực phẩm khác vì sẽ tạo cảm giác khó chịu trong tiêu hóa.
  • Chuẩn bị đồ ăn vặt có chất xơ: Chọn rau có lá mỏng, ít gân lá để xay nhuyễn, trộn với thịt cá, chiên giòn cho trẻ ăn vặt. Ngoài ra, cha mẹ có thể đa dạng thực đơn cho trẻ về có món ăn lẫn hình thức như xiên que kiwi – bông cải xanh – miếng cá chiên – trái bơ – cà chua bi (lấy hết hạt) hoặc tạo một món ăn lạ và dễ thương đối với trẻ lớn hơn 1 tuổi.
     

Đồ ăn vặt có chất xơ sẽ là lựa chọn thích hợp cho trẻ

 

  • Dẫn trẻ cùng đi siêu thị: Mẹ nên chỉ trẻ biết thịt, cá, rau củ có hình dạng như thế nào. Điều này cũng giúp trẻ bớt kén ăn hơn. Mẹ cũng có thể cho trẻ tự chọn thực phẩm dinh dưỡng cho mình theo sở thích của trẻ.
  • Ăn thử trước mặt trẻ: Khi cho ăn, cha mẹ nên ăn thử cho trẻ xem, chỉ cách ăn và khuyến khích trẻ ăn khi cùng nhau quây quần.

Các mẹ cùng đón đọc phần 2 để tìm hiểu chi tiết về các lời khuyên sau nhé!

Nguồn: https://www.facebook.com/anhnguyen.nutrition/posts/1742357519231337