MyFeed Personalized Content
Bé từ 2 đến 6 tuổi
Bài viết
Add this post to favorites

Lưu ý khi xây dựng thực đơn cho trẻ mầm non

Để xây dựng thực đơn cho trẻ mầm non hợp lý và đầy đủ dinh dưỡng, mẹ cần biết được những lưu ý sau đây. Tham khảo ngay thực đơn cho trẻ mầm non nhé!

5 min để đọc Dec 17, 2020

Khi bước vào tuổi mẫu giáo, nhu cầu dinh dưỡng cho bé sẽ thay đổi so với trước đó. Con cần nhiều năng lượng hơn, bữa ăn của con cũng cần đa dạng hơn, hấp dẫn hơn để đảm bảo trọn vẹn cả lượng và chất. Hãy cùng Nestlé Mom & Me điểm qua những lưu ý quan trọng để xây dựng thực đơn cho trẻ mầm non nha!

Thực đơn cho trẻ mầm non nên tăng số lượng bữa ăn để đáp ứng nhu cầu năng lượng

Nhu cầu năng lượng trung bình của trẻ 1 - 3 tuổi là 1180 Kcal/ngày, còn trẻ từ 4 - 6 tuổi cần ít nhất 1470 Kcal/ngày. Khi càng lớn, trẻ càng cần nhiều năng lượng để vận động, học hỏi, vui chơi và phát triển thể chất. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng tăng nhanh mà thể tích dạ dày của trẻ lại không tăng nhanh như thế. Do đó, trẻ cần ăn nhiều bữa hơn so với trước đó để nhận đủ năng lượng cần thiết. 

Thông thường, trẻ sẽ ăn 5 bữa một ngày với 3 bữa chính và 2 bữa phụ.

 

Nên tăng số lượng bữa ăn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ

 

3 bữa ăn chính trong thực đơn cho trẻ mầm non phải đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng

Chất bột (đường): Là các loại ngũ cốc cơ bản như gạo, ngô, khoai, sắn, mì... Đây là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu trong bữa ăn. Ngoài ra, ngũ cốc còn là nguồn cung cấp nhiều vitamin nhóm B, nhất là vitamin B1. Vitamin B1 thường nằm ở lớp vỏ ngoài của hạt gạo, nếu gạo xay xát quá kỹ sẽ làm vitamin này giảm đi đáng kể.

Chất đạm: Đạm cung cấp các acid amin cần thiết mà cơ thể người không tự tổng hợp được. Bữa ăn cho trẻ cần cân đối nguồn đạm động vật (thịt, cá, trứng...) và đạm thực vật (đậu đỗ, rau củ...) để trẻ dễ hấp thu, tiêu hóa. Tỷ lệ đạm động vật nên chiếm 1/2 tổng lượng đạm trong bữa ăn.

Chất béo: Bao gồm dầu ăn, mỡ, lạc, vừng... là nguồn cung cấp năng lượng và các acid béo cần thiết cho cơ thể. Mỗi ngày, trẻ cần 50g chất béo từ các nguồn thực phẩm dinh dưỡng khác nhau, và khẩu phần ăn nên cân đối lượng chất béo gốc động vật và thực vật theo tỷ lệ 7:3. Nên bổ sung chất béo từ cá, các chế phẩm từ sữa để giúp trẻ cân bằng chế độ dinh dưỡng, phát triển thể chất, trí não.

Nhóm vitamin và chất khoáng: Bao gồm các thực phẩm dinh dưỡng là những loại rau xanh và quả chín. Đây cũng là nguồn cung cấp chất xơ cho cơ thể, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và hỗ trợ tiêu hóa. Cũng cần lưu ý là một số loại vitamin như vitamin C sẽ bị giảm khi rau bị dập nát hoặc để lâu ngoài môi trường sau khi hái, vì thế, nên lựa chọn rau tươi ngon và cho trẻ ăn ngay khi chế biến thức ăn xong để bảo toàn lượng vitamin. Mẹ cũng có thể tham khảo thêm bài viết Các Loại Thực Phẩm Giàu Vitamin C Cho Bé.     

 

Bổ sung chất bột đường, chất đạm, chất béo và nhóm vitamin chất khoáng vào khẩu phần ăn của trẻ

 

Thực đơn cho trẻ mầm non cũng cần tuân thủ theo mùa

Tùy vào mỗi mùa mà các cô giáo cần sắp xếp bữa ăn và thực đơn cho trẻ mầm non khác nhau, ví dụ trong mùa hè nóng nực, việc bổ sung nước là vô cùng cần thiết.

Các cô cũng cần phải cân đối việc thức ăn theo mùa và khẩu vị của trẻ. Nếu không thích thức ăn đó thì có ép thế nào trẻ cũng không ăn.

Các món ăn cho trẻ cần được chế biến sạch sẽ, ăn chín uống sôi để tránh các căn bệnh về đường tiêu hóa cho trẻ nhất là vào mùa nắng nóng.
 

Nên sắp xếp thực đơn, cân đối món ăn theo mùa và khẩu vị của trẻ

 

Những lưu ý khác khi xây dựng thực đơn cho trẻ mầm non

Thực đơn cho trẻ mầm non cần đa dạng về món ăn và thực phẩm dinh dưỡng. Mỗi ngày, trẻ nên ăn ít nhất 10 loại thực phẩm khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng về chế độ dinh dưỡng.

Hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn.

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến thức ăn cũng như khi cho trẻ ăn.

Món ăn cho trẻ phải sử dụng gia vị hợp lý: trẻ nên ăn dưới 100g muối/ tháng và nên sử dụng muối iod để nêm nếm thức ăn cho trẻ.
 

Bổ sung nhiều loại thực phẩm vào bữa ăn cho trẻ để đáp ứng nhu cầu đa dạng về chế độ dinh dưỡng.

 

Uống đủ nước: Tùy theo mức độ vận động cũng như nhu cầu của mỗi trẻ, trung bình trẻ cần 1 - 1,5 lít nước mỗi ngày. Lưu ý: mức nước này đã bao gồm cả lượng sữa và nước trái cây hàng ngày cho trẻ.

Các bữa phụ của trẻ nên là những thực phẩm dinh dưỡng như trái cây, sữa hộp. Hạn chế các loại bánh kẹo ngọt, nước có gas/nhiều đường.

Đối với trẻ thừa cân - béo phì, ăn rau và canh trước khi ăn cơm, cơm và món mặn cần giảm so với khẩu phần bình thường. Mẹ cũng có thể tham khảo thêm bài viết 5 Hiểu Lầm Khi Chăm Sóc Dinh Dưỡng Cho Trẻ Béo Phì để chăm con đúng cách. 

Mến chúc các bé luôn khỏe mỗi ngày để phát triển trọn tiềm năng!

 

Cần chú ý xây dựng thực đơn cho trẻ mẫu giáo đúng cách để đáp ứng nhu cầu năng lượng và sắp xếp khẩu phần ăn hợp lý đa dạng