MyFeed Personalized Content
Bé từ 2 đến 6 tuổi
Bài viết
Add this post to favorites

Cách nuôi dạy trẻ lên 3 giúp bé vượt qua khủng hoảng

Xem ngay những cách nuôi dạy trẻ giúp bố mẹ cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 thật nhẹ nhàng và thoải mái nhé!

7 min để đọc Jan 6, 2020

Những cơn bực bội, cáu kỉnh thường xuyên, cùng nhiều lần ăn vạ nơi công cộng của trẻ rất dễ khiến bố mẹ cảm thấy nặng nề, mệt mỏi và thậm chí là bất lực. Nhưng mẹ cũng đừng lo lắng nhé, vì Nestlé Mom&Me sẽ kết nối với ý kiến của các chuyên gia giúp mẹ tìm được cách nuôi dạy trẻ đúng đắn, để những cơn khủng hoảng tuổi lên 3 trở thành một cuộc dạo chơi và học hỏi đầy thú vị về cuộc sống xung quanh của trẻ.

“Món quà” đặc biệt với thời hạn kéo dài

Trong khi bố mẹ lo lắng, thậm chí ám ảnh với việc con trở nên bướng bỉnh, hay cãi lại và thường xuyên ăn vạ để đòi những món đồ ưa thích, các chuyên gia lại nhìn giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 ở một góc nhìn hoàn toàn khác.

 

Cách nuôi dạy trẻ đúng cách ở giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 giúp hình thành các kỹ năng sống cho trẻ trong tương lai

 

Chuyên gia tâm lý học người Mỹ Julia Pappas thích gọi sự khủng hoảng của trẻ là một món quà, bởi vì nếu không có nó trẻ sẽ không lớn lên tự nhiên được, và nếu không có cách nuôi dạy trẻ phù hợp trong giai đoạn khủng hoảng này, trẻ sẽ khó mà phát triển kỹ năng và trưởng thành thật sự. Trẻ mong muốn chứng tỏ khả năng và bảo vệ chính kiến của mình qua những lần cãi lời và làm ngược lại hướng dẫn của bố mẹ. Nếu bố mẹ có cách nuôi dạy trẻ phù hợp, sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng xử lý những tình huống đầu tiên trong đời, từ đó tích lũy vốn hiểu biết, kỹ năng sống cho trẻ với nhiều điều mới mẻ phía trước.

Nhìn từ góc độ đó thì các đợt khủng hoảng, bắt đầu từ tuổi lên 3 và kéo dài đến tuổi dậy thì, sẽ không còn là nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh. Giai đoạn này sẽ là những dịp để bố mẹ có cách nuôi dạy trẻ linh động ứng biến với “món quà” đặc biệt này, tặng cho con những hướng dẫn cần thiết, cụ thể, để con phát triển kỹ năng, tư duy, nhân cách đúng hướng, và tặng cho cả chính mình những kinh nghiệm quý báu trong hành trình nuôi dạy con đúng cách.

Mở “gói quà” khủng hoảng như thế nào cho đúng?

Nếu khủng hoảng tuổi lên 3 là một món quà của tự nhiên, thì việc mở gói quà cho khéo léo, tránh làm rách phần giấy gói bên ngoài, hoặc thậm chí là làm hỏng “hiện vật” bên trong – tâm hồn non nớt của trẻ – cũng là một nghệ thuật.
 

 

Sự bình tĩnh của bố mẹ trong cách nuôi dạy trẻ là bí quyết giúp mở gói quà mang tên “khủng hoảng” nhẹ nhàng hơn

 

Theo chuyên gia Anh Nguyễn (bệnh viện Hoàng gia Worcester - Anh), để dạy con đúng cách trong giai đoạn này, mẹ nên tránh giận dữ, quát mắng khi trẻ tỏ ra bất hợp tác hoặc đưa ra những đòi hỏi bất hợp lý, vì thái độ nóng nảy, mất bình tĩnh của mẹ sẽ chỉ làm tăng thêm tình trạng căng thẳng của trẻ và có thể dẫn đến những cấp độ nặng hơn của sự bất hợp tác.

​​Ví dụ như, khi bé đòi đi chân trần trên đất bùn, mẹ cấm đoán, mắng át đi ngay có thể khiến trẻ lập tức vứt bỏ giày ra và lao ngay vào giữa bãi bùn, làm vấy bẩn thêm quần áo của con và càng làm tình hình trở nên tệ đi. Thay vào đó, để dạy con đúng cách, mẹ có thể hỏi xem, vì sao con lại muốn đi chân trần, và từ tốn giải thích cho bé những hậu quả không tốt nếu đi chân trần trên đất bùn lầy. Với bé nhỏ, lời giải thích của mẹ cần ngắn gọn, dễ hiểu, đơn giản mà thuyết phục, chẳng hạn như chỉ vào một chiếc xe đang bê bết bùn đất dựng cạnh đó, và giải thích cho con: “Con mà đi chân trần thì cũng sẽ lấm bẩn, xấu xí như chiếc xe này đấy. Con có thích áo quần đẹp của con bị dính đầy bùn đất không? Mẹ sẽ không thể giặt sạch được đâu.”  Bố mẹ hãy xem thêm Thưởng hay phạt - Đâu là cách dạy con ngoan? tại đây để có cách dạy con khoa học trong giai đoạn này nhé!

Cách nuôi dạy trẻ bằng việc lắng nghe và hỏi han

Khi trẻ đang cáu gắt hoặc tỏ ra chống đối, bất hợp tác, mẹ hãy bình tĩnh và dạy con đúng cách bằng việc hỏi han tìm hiểu nguyên nhân cơn giận của con. Đừng vội mắng con hoặc buộc con ngay lập tức phải làm đúng theo ý mình, mà hãy hỏi trẻ, tại sao con lại muốn làm như vậy.
Ví dụ, khi hai mẹ con đang về nhà giữa trưa nắng, bé bất chợt trở nên bực bội, cằn nhằn đòi vứt chiếc mũ đang đội trên đầu ra, không đội nữa. Thay vì nghiêm mặt, buộc con phải ngoan, đội mũ ngay ngắn trên đường về, mẹ có thể cúi người thấp ngang tầm mắt bé và hỏi: “Tại sao con lại không muốn đội mũ nữa?”.
Với những lý do trẻ đưa ra sau đó, mẹ sẽ biết được nguyên nhân thực sự đằng sau cơn “khó ở” của con. Cách nuôi dạy trẻ bằng việc lắng nghe và hỏi han, mẹ có thể vừa giúp giải quyết vấn đề của con, vừa giúp con hợp tác hơn. Hơn nữa, trẻ sẽ hiểu rằng trong những lần sau, khi gặp vấn đề con sẽ nhờ sự giúp đỡ từ mẹ thay vì tỏ ra cáu kỉnh. Để gần gũi với con hơn, bố mẹ có thể xem thêm Gợi Ý Cách Nuôi Dạy Trẻ Gắn Kết Với Bố Mẹ nhé!

Cách nuôi dạy trẻ bằng quan sát và kể chuyện

Trong một trường hợp khác cũng thường xuyên gặp phải ở trẻ tuổi lên 3: khi trẻ theo mẹ đi siêu thị, trẻ sẽ rất thích chọn các món bánh kẹo đủ màu sắc và cho vào xe đẩy, đòi mẹ mua cho bằng được. Lúc này, chuyên gia Anh Nguyễn mách mẹ phương pháp dạy con đúng cách không chỉ hỏi han để tìm hiểu nguyên nhân (vì nguyên nhân đã quá rõ ràng: con thích ăn kẹo!), mà mẹ cần quan sát nhanh các món trẻ cho vào xe đẩy rồi gợi ý cho trẻ lựa chọn trong giới hạn 2 món: “Mẹ chỉ đủ tiền mua 1 món, hoặc gói kẹo này hoặc bịch bánh này, con chọn 1 cái con thích nhé!”.

Với cách nuôi dạy trẻ này, con vừa không có cảm giác bị “mất trắng” thành quả lựa chọn, vừa thể hiện được quyền được quyết định của mình, và mẹ sẽ tránh được khả năng xảy ra một cơn ăn vạ “đầy nước mắt” ở quầy thu ngân. Sau đó trên đường về, mẹ có thể kể cho trẻ nghe câu chuyện về tác hại của việc ăn kẹo ngọt.

 

Lời nói sống động, giàu hình ảnh khiến trẻ thích thủ và nhớ lâu

 

Ở độ tuổi này, trẻ rất thích nghe kể chuyện, vì vậy mẹ hãy dùng ngôn ngữ sống động, dễ hiểu và hình ảnh rõ ràng để con ngay lập tức tiếp thu câu chuyện và giúp phát triển kỹ năng sống cho trẻ. Chẳng hạn như, “ngày xưa mẹ ăn nhiều kẹo và bị sâu răng, thủng một lỗ rất to phải trám lại. Con xem, cái đốm to màu đen trên răng mẹ này, vừa xấu vừa gây đau nữa đó.” Với hình ảnh trực quan sinh động, con sẽ dễ hiểu và trong những lần sau, khi trẻ tiếp tục đòi mua nhiều bánh kẹo, mẹ có thể nhắc lại câu chuyện “cái răng bị thủng một lỗ to”, trẻ sẽ nhanh chóng nhớ ra ngay.