MyFeed Personalized Content
Bé từ 2 đến 6 tuổi
Bài viết
Add this post to favorites

Có nên bổ sung vitamin cho trẻ thừa cân béo phì?

Mẹ có biết trẻ thừa cân béo phì cũng cần bổ sung vitamin cho trẻ đầy đủ để tránh ảnh hưởng đến sự cân bằng dinh dưỡng? Xem ngay!

8 min để đọc Aug 22, 2019

Thừa cân béo phì ở trẻ em đang gia tăng ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Béo phì ở trẻ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi trưởng thành. Tuy nhiên, có một quan điểm sai lầm là nhiều bà mẹ có con thừa cân béo phì lại cắt giảm quá mức thực đơn cho trẻ. Việc làm này hoàn toàn không có căn cứ khoa học vì mẹ chưa thực sự hiểu rõ nguyên nhân thừa cân béo phì, dẫn đến tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Để hiểu hơn về điều này mẹ có thể tham khảo bài viết 3 Yếu Tố Khiến Trẻ Béo Phì Mà Cha Mẹ Cần Lưu Ý

 

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi trưởng thành của bé.

 

Vì vậy, dù trẻ có thừa cân béo phì, mẹ vẫn cần bổ sung vitamin cho trẻ đầy đủ với các loại dưới đây:

Bổ sung vitamin cho trẻ với các loại vitamin tan trong chất béo

Vitamin D: 

  • Là vitamin tan trong chất béo. Trẻ thừa cân béo phì nếu thiếu hụt vitamin D thường chịu phải đối mặt với những biến đổi tim mạch sớm hơn ở trẻ khác khi trưởng thành. Tình trạng thiếu vitamin D gây giảm quá trình khoáng hóa hoặc khử khoáng canxi từ xương, dẫn tới còi xương ở trẻ nhỏ và ảnh hưởng tới phát triển chiều cao cho trẻ – một yếu tố rất quan trọng giúp trẻ thoát khỏi tình trạng béo phì.
  • Nhu cầu vitamin D tối thiểu mỗi ngày là 400 IU và không được vượt quá 1500 IU mỗi ngày đối với những trẻ dưới 12 tháng tuổi; 600 IU và không được vượt quá 2500 IU mỗi ngày đối với những trẻ từ 1 đến 2 tuổi. Khi trẻ hơn 2 tuổi, thì dù nhu cầu vitamin D vẫn là 600 IU mỗi ngày, vẫn rất cần lựa chọn các thực phẩm bổ sung vitamin D cho bữa ăn của trẻ như dầu gan cá, nhất là các loại cá béo (trung bình trong 100g cá có từ 100IU đến 600IU vitamin D), gan và chất béo của động vật có vú ở biển (hải cẩu), trứng gà được nuôi bằng thức ăn có bổ sung vitamin D, một số thực phẩm có tăng cường vitamin D như dầu ăn, ngũ cốc. Mẹ có thể tham khảo bài viết Bổ Sung Vitamin D Cho Bé Bằng Cách Tắm Nắng

 

Vitamin D giúp phát triển chiều cao cho trẻ - một yếu tố quan trọng giúp trẻ thoát khỏi béo phì

 

 

Vitamin A: 

  • Cũng là một loại vitamin tan trong chất béo có nguồn gốc từ cả động vật và thực vật. Trong một nghiên cứu ở Thụy Sĩ cho thấy trẻ em bị thiếu hụt vitamin A tăng đáng kể trong nhóm béo phì. Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu vitamin A cận lâm sàng vẫn ở mức trung bình về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Thiếu vitamin A không chỉ ảnh hưởng đến chức năng của mắt mà còn làm trẻ chậm lớn, giảm khả năng miễn dịch, tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ em.
  • Để phòng ngừa thiếu vitamin A, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi cần được bú sữa mẹ, đặc biệt là sữa non. Bà mẹ trong vòng 1 tháng sau sinh cần được uống 1 liều vitamin A 200.000IU. Trong trường hợp trẻ không có sữa mẹ hoặc thiếu sữa mẹ thì bổ sung duy nhất 1 liều 50.000 UI vitamin A. Khi trẻ từ 6 - 12  tháng tuổi, cho uống 1 liều 100.000 UI vitamin A. Trẻ trên 1 tuổi, cứ mỗi 6 tháng cho uống 200.000 UI vitamin A.
     
Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A vào chế độ ăn của trẻ

 

  • Nguồn thực phẩm bổ sung vitamin A cho trẻ: Thức ăn có nguồn gốc động vật có nhiều vitamin A hay retinol tốt nhất. Gan là nơi dự trữ vitamin A, nên có thành phần retinol cao nhất. Chất béo từ thịt và trứng cũng chứa một lượng vitamin A đáng kể. Các thức ăn nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A như các loại củ quả có màu vàng/đỏ, các loại rau màu xanh sẫm và các loại dầu ăn. Theo các nghiên cứu gần đây, khi vào cơ thể tiền vitamin A sẽ được chuyển thành vitamin A (theo tỷ lệ 12:1 đối với hoa quả chín và 22-24: 1 đối với rau xanh).

Bổ sung vitamin cho trẻ với các loại vitamin tan trong nước

Vitamin B12:                                                         

  • Ở trẻ em thừa cân béo phì, sự thiếu hụt vitamin B12 xảy ra phổ biến hơn. Thiếu vitamin B12 xảy ra chủ yếu do chế độ ăn thiếu vitamin B12 và cũng có thể do không đủ các men tụy nên không giải phóng được vitamin B12 từ protein đặc hiệu. Thiếu vitamin B12 gây thiếu máu hồng cầu to và các triệu chứng đường tiêu hóa như đau lưỡi, ăn không ngon miệng, đầy hơi và táo bón.
     
  • Tùy theo độ tuổi, lượng vitamin B12 cần thiết là: Trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi: 0,4 mcg/ngày; Trẻ từ 7 - 12 tháng tuổi: 0,5 mcg/ngày; Trẻ từ 1 - 2 tuổi: 0,9 mcg/ngày; Trẻ từ 3 - 5 tuổi: 1,0 mcg/ngày; Trẻ từ 6 - 7 tuổi: 1,2 mcg/ngày; Trẻ từ 8 - 9 tuổi: 1,5 mcg/ngày Trẻ từ 10 - 11 tuổi: 1,8 mcg/ngày; Tất cả trẻ em trong độ tuổi từ 12 tuổi trở lên: 2,4 mcg/ngày.
  • Khác với các loại vitamin nhóm B khác, vitamin B12 hầu như không có trong các thức ăn thực vật. Các thức ăn động vật là nguồn cung cấp vitamin B12. Các thực phẩm như thịt, cá, gia cầm, sữa, sò, gan và trứng là nguồn thức ăn bổ sung vitamin B12. Ngoài ra, còn có một số loại ngũ cốc ăn sáng, sản phẩm lên men dinh dưỡng và thực phẩm làm từ đậu nành được bổ sung tăng cường vitamin B12 cho bé.
     
Thiếu vitamin B12 gây thiếu máu hồng cầu to và các triệu chứng đường tiêu hóa

 

Khoáng chất và các nguyên tố vi lượng

Bên cạnh bổ sung vitamin cho trẻ, mẹ cũng cần cung cấp các khoáng chất quan trọng như sau:

Sắt: Đóng vai trò quan trọng hỗ trợ nhiều chức năng của cơ thể, duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Về nhu cầu sắt, trẻ từ 1 - 5 tuổi khoảng 5 - 5,5 mg/ngày, trẻ từ 6 - 7 tuổi cần khoảng 7mg/ngày, trẻ từ 8 - 9 tuổi cần khoảng 9mg/ngày

Kẽm: Là nguyên tố vi lượng có rất cần thiết cho sự phát triển của cơ và xương. Thiếu kẽm làm cho trẻ nhỏ chậm lớn, chậm tăng trưởng, giảm sức đề kháng và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Bổ sung kẽm làm tăng tốc độ phát triển chiều cao cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi và trẻ thừa cân béo phì. 

  • Nhu cầu của kẽm và hấp thu kẽm trong cơ thể là vô cùng thiết yếu : Nhu cầu kẽm ở trẻ 6 tháng đến dưới 2 tuổi là 4,1 mg/ngày, ở trẻ 3 - 5 tuổi 4,8 mg/ngày, ở trẻ 6 - 9 tuổi 5,6 mg/ngày. Kẽm được phân bố rộng rãi trong các loại thực phẩm. Các thực phẩm giúp bổ sung kẽm gồm có thịt đỏ, một số hải sản, ngũ cốc nguyên hạt và một số ngũ cốc ăn sáng được tăng cường kẽm. Vì kẽm được tìm thấy chủ yếu trong mầm và phần cám của hạt nên gần như 80% tổng số kẽm bị mất đi trong quá trình xay xát.

Selen: Cũng là thành phần chống oxi hóa quan trọng và bị thiếu hụt ở trẻ em thừa cân béo phì mà các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý. Trẻ từ 6 - 11 tháng tuổi, lượng selen khuyên dùng là 10 mcg/ngày; trẻ từ 12 - 23 tháng tuổi là 17 mcg/ngày; trẻ từ 3-5 tuổi là 20 mcg/ngày; trẻ từ 6 - 9 tuổi là 22 mcg/ngày; trẻ từ 10 - 19 tuổi là 32mcg/ngày đối với trẻ trai và 26mcg/ngày đối với trẻ gái.
 

Nên bổ sung các chất khoáng sắt, kẽm và selen cho trẻ thừa cân béo phì

 

Cha mẹ cần lưu ý

Bên cạnh việc quan tâm bổ sung vitamin cho trẻ và các chất dinh dưỡng để hỗ trợ phát triển chiều cao cho trẻ, mà hằng ngày, các bậc cha mẹ còn cần phải khuyến khích trẻ thay đổi thói quen ăn uống (hạn chế các món xào rán, thức ăn nhanh, thức ăn có chứa nhiều đường đơn và đường đôi, ăn chậm), tham gia các môn thể dục thể thao như chạy, bơi, nhảy dây, đi bộ phù hợp với tình trạng thừa cân béo phì và hạn chế xem tivi, chơi điện tử. Trẻ cần được thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao, khẩu phần hàng ngày, thời gian hoạt động của trẻ và động viên kịp thời.

Nguồn: http://bvndtp.org.vn/vitamin-cho-tre-beo-phi/
 

Bổ sung vitamin cho trẻ thừa cân béo phì cùng các khoáng chất cần thiết để tránh ảnh hưởng đến sự mất cân bằng dinh dưỡng, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh