MyFeed Personalized Content
Thông tin chuẩn cho mẹ & bé từ 12 - 24 tháng tuổi
Bài viết
Add this post to favorites

Mách mẹ cách dạy con tập nói theo từng giai đoạn

Tìm hiểu ngay cách dạy con tập nói qua từng giai đoạn khác nhau để bé có thể thích ứng và tiếp thu một cách tốt nhất mẹ nhé!

5 min để đọc Oct 15, 2015

1. CÁCH DẠY CON TẬP NÓI TRƯỚC 18 THÁNG TUỔI - GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ

Ngay từ khi chào đời, bé đã có thể phân biệt được giọng nói của mẹ với những người khác. Và trong giai đoạn này, bé bắt đầu làm quen và tập nói những âm đầu tiên. 3-6 tháng tuổi là bé có thể phát ra 2 nguyên âm khác nhau như a, o… Và trong giai đoạn trước 6 tháng tuổi, bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện cùng bé, hát ru, kể chuyện cho bé nghe…để làm tăng vốn ngôn ngữ và vốn từ vựng cho con để giúp bé chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình phát triển của trẻ.

Giai đoạn tập nói của bé được đánh dấu vào thời điểm bé có thể gọi “ ba”, “má” và thường là vào khi bé được 1 tuổi. Giai đoạn này, vốn ngôn ngữ của bé đã vững để có thể hiểu được những cuộc đối thoại cơ bản. Lúc này, bé đã có thể phản ứng khi nghe ai gọi tên mình. Mẹ có thể tham khảo thêm bài viết Các Bước Phát Triển Của Trẻ Khi Tập Nói để dạy con tập nói đúng cách theo từng giai đoạn phát triển của bé. 
 

Tập nói cho con trước 18 tháng tuổi bằng việc phát ra những nguyên âm khác nhau, trò chuyện và hát ru cho trẻ

 

2. CÁCH DẠY CON TẬP NÓI TỪ 18 THÁNG ĐẾN 2 TUỔI - GIAI ĐOẠN TẬP PHÁT ÂM

Cách dạy con tập nói trong giai đoạn này là dạy bé một số từ đơn (khoảng 25 từ), mẹ có thể cho bé làm quen dần với các từ ghép đơn giản. Đối với những bé chậm nói, thì mẹ có thể kéo dài quá trình tập nói từ đơn. Nói ngọng, nói đớt là việc rất dễ gặp của các bé trong giai đoạn này, và tốt nhất là mẹ nên phát âm lại rõ ràng và kiên nhẫn giúp bé nói lại các từ đã bị phát âm sai. Trong những trường hợp cảm thấy việc phát âm của bé gặp nhiều khó khăn và không sửa được, mẹ nên đưa bé đi khám để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp hỗ trợ thích hợp. Đa phần nguyên nhân là do tâm lý (bé ngại nói) hay do thể chất (tật về lưỡi…).

Học từ cuộc sống hằng ngày là cách tốt nhất giúp bé gia tăng vốn từ vựng, vì thế mẹ nên tận dụng các tình huống khác nhau để tập nói cho bé. Những mẫu câu ngắn như “Mẹ đi chợ”, “Mẹ yêu con quá”, “Mẹ đang nấu ăn”…sẽ giúp bé tiếp thu được nhiều từ mới và phát triển khả năng ngôn ngữ cho trẻ. 

3.  CÁCH DẠY CON TẬP NÓI TỪ 2 ĐẾN 2 TUỔI RƯỠI - GIAI ĐOẠN BÉ HỎI TẠI SAO
 

Học cách dạy con ở giai đoạn bé thường hay hỏi tại sao

 

Tại sao thế này? Tại sao thế kia? Là những câu hỏi rất dễ gặp của trẻ em trong giai đoạn này. Điều đó cho thấy bé đã chuyển từ giai đoạn bắt chước phát âm sang giai đoạn hiểu để nhớ. Lúc này bé có thể phối 2-3 từ khi nói, phát âm dễ nghe hơn, và bố mẹ có thể hiểu được những gì bé muốn nói.

Cách dạy con tập nói tốt nhất lúc này là cố gắng giải thích những câu hỏi của bé thật chậm rãi và bằng những ngôn từ đơn giản nhất có thể. Qua đó, mẹ sẽ giúp làm giàu vốn từ của con và điều chỉnh cách phát âm của con cho đúng.

4. 3 TUỔI - GIAI ĐOẠN ĐỘT PHÁ, GIA TĂNG VỐN TỪ
 

Mẹ giúp bé phát triển kỹ năng diễn đạt bằng cách gia tăng vốn từ vựng của be qua việc đọc sách

 

Vốn từ của bé gia tăng đột biến trong giai đoạn này (khoảng 200 từ), một phần bé học được từ mẹ, và một phần bé nghe các cuộc trò chuyện của mọi người xung quanh và tích lũy vốn từ cho mình. Lúc này bé có thể hát một bài trọn vẹn và diễn đạt được một câu gồm 4-5 từ.

Cách dạy con lúc này là giúp bé rèn luyện kỹ năng diễn đạt của mình thông qua việc đọc truyện (phù hợp độ tuổi) cho bé nghe và giúp bé kể lại câu chuyện đó. Việc này sẽ giúp bé phát triển kỹ năng giao tiếp (hỏi lại cho rõ), hiểu rõ ngôn từ và ngữ cảnh dùng từ…Qua đó, tăng cường khả năng diễn đạt, phát triển khả năng ngôn ngữ cho trẻ. Mẹ có thể tham khảo thêm bài viết Mẹo Để Bố Mẹ Phát Triển Kỹ Năng Giao Tiếp Cho Trẻ để giúp bé phong phú thêm vốn từ và hoàn thiện kỹ năng giao tiếp. 

5.  4 TUỔI - GIAI ĐOẠN HOÀN THIỆN KHẢ NĂNG NÓI

Trong giai đoạn này bé đã có khả năng nói một câu hoàn thiện và bố mẹ có thể hiểu hết những gì bé nói. Nếu như bé vẫn chưa nói trôi chảy ở giai đoạn này (dù thời gian trước, bé vẫn phát triển kỹ năng bình thường), thì mẹ cũng đừng lo lắng vì đa phần chỉ là do nguyên nhân tâm lý mà thôi. Khi đó, mẹ nên dành thời gian trò chuyện với con và đọc truyện cho bé nghe, cho bé xem các chương trình thiếu nhi, dẫn bé đến những khu vui chơi để bé làm quen và học hỏi qua cách giao tiếp với bạn bè. 

BS CK I Thái Thanh Thủy Trưởng khoa Tâm Lý Bệnh viện Nhi Đồng 2