Để có thể tăng 25 cm chiều cao và tăng trọng lượng gấp 3 lần, bé yêu của mẹ sẽ phải ăn nhiều nhất có thể trong năm đầu tiên. Tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc này sẽ chậm lại khi bé bắt đầu tập đi. Bé yêu bụ bẫm, phúng phính của mẹ sẽ trở nên gọn gàng hơn khi biết đi. Quá trình tăng trưởng chậm này sẽ kéo dài cho tới khi bé được 5 hoặc 6 tuổi, thời điểm đánh dấu giai đoạn tăng trưởng vượt trội tiếp theo. Ở giai đoạn tăng trưởng thứ hai, cân nặng của bé thậm chí có thể phát triển mạnh mẽ lấn át cả chiều cao. Vấn đề chính là giai đoạn phát triển thứ hai này có thể diễn ra sớm hơn ở một số trẻ khi trẻ 2 hoặc 3 tuổi. Nguy cơ béo phì hoàn toàn có thể tránh nếu mẹ quan tâm giáo dục bé từ sớm về các nguyên tắc sống khoa học và lành mạnh.
Nguyên nhân chính của béo phì ở trẻ
Tình trạng béo phì ở trẻ đã trở nên đáng lo ngại và được quan tâm nghiên cứu nhiều năm gần đây. Một số nguyên nhân sau đây có thể dẫn tới tình trạng béo phì của trẻ:
• chế độ ăn thừa mứa
• thường xuyên ăn vặt
• Thiếu vận động, thường xuyên xem tivi, chơi trò chơi điện tử
• Rối loạn nội tiết tố và hệ thống trao đổi chất do di truyền
Ngoài các vấn đề thể chất, béo phì cũng tạo ra các ảnh hưởng tinh thần nhất định lên trẻ. Trẻ có thể cảm thấy khó khăn để chấp nhận cơ thể của mình và trở nên ức chế. Ngoài ra mẹ cũng có thể hình dung được rằng bé có thể bị trêu ghẹo, chế giễu ở trường.
May mắn thay, không gì là không có cách giải quyết. Mẹ đừng lo, vẫn có cách cứu vãn tình thế khi nhận ra bé có nguy cơ béo phì.
Dấu hiệu béo phì ở trẻ
Khi được hỏi bé có quá mũm mĩm? Câu trả lời của mẹ thường là “Bình thường thôi mà, con mình vẫn chạy chơi suốt trong nhà đó thôi!”. Tuy nhiên mẹ sẽ không ngờ rằng cơ thể bé đang có nguy cơ béo phì. Mẹ hãy xem qua những dấu hiệu về béo phì sau đây để có thể nhận thấy tình trạng béo phì ở trẻ nếu có, và tất nhiên hãy sáng suốt, đừng để những chỉ dẫn này làm mẹ lo lắng thái quá.
• Tốc độ tăng trưởng của bé vượt mức cho phép so với tốc độ tăng trưởng trung bình của quốc gia ở lứa tuổi của bé.
• Chỉ số khối cơ thể của bé (BMI) trong giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi vượt quá 19.
• Bé phát triển một cách vượt trội về cân nặng khi được 3 tuổi thay vì phải đến 6 tuổi sự phát triển này mới xảy ra ở các trẻ khác.
• Sau 3 tuổi bé yêu vẫn rất mũm mĩm.
Tốt nhất mẹ nên cho bé gặp bác sĩ kiểm tra sức khỏe tổng quá thường xuyên để có thể phát hiện béo phì sớm nếu bé có nguy cơ.
Thói quen ăn uống khoa học
Một số nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy rằng những biện pháp ngăn ngừa béo phì sẽ tỏ ra hiệu quả hơn nếu như áp dụng sớm, trước khi bé 2 tuổi. Vậy làm thế nào để mẹ có thể giúp bé thưởng thức việc ăn uống một cách trọn vẹn với khẩu phần hợp lý? Mẹ hãy áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng không chỉ cho bé mà cho cả gia đình. Trước hết, hãy tôn trọng việc ăn đủ 4 bữa một ngày, mỗi bữa ăn đúng giờ và ăn một cách từ tốn.
Hãy bắt đầu với việc đảm bảo rằng chế độ ăn của bé đủ can-xi. Sau đó, mẹ phải cho bé ăn đầy đủ hoa quả (trái cây) và rau củ. Tiếp theo, khẩu phần ăn của bé phải cung cấp đủ lượng protein cho bé cần theo như khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng, tránh cung cấp dư thừa protein dẫn đến quá tải. Ngoài ra, mẹ cũng cần cho trẻ ăn đủ tinh bột (chất bột đường) để trẻ có đủ năng lượng hoạt động, tránh cảm giác đói dẫn đến thèm ăn vặt.
Nếu bé muốn ăn thêm giữa các bữa ăn, mẹ đừng lo lắng, một chút thức ăn nhẹ sẽ không thành vấn đề miễn là nó không trở thành một thói quen thường xuyên.
Cuối cùng, mẹ nên tường xuyên cho bé ra ngoài đi dạo và tham gia các hoạt động vận động. Nó không những giúp trẻ giữ sức khỏe mà còn giúp trẻ ngủ ngon hơn.