Những điều cần biết về cai sữa và tập ăn dặm cho bé
Bằng việc tập ăn dặm, bé sẽ có cơ hội khám phá một thế giới mới mẻ các mùi vị phong phú. Đâu là những quy tắc mẹ cần tuân theo trong giai đoạn này?
Khi bé nhận ra ăn uống cũng là một phần thể hiện tính cách
Mẹ có nghĩ rằng lần đầu tiên bé ăn được một muỗng đầy cà rốt hay nhồm nhoàm 1 miệng đầy ngũ cốc cho bữa sáng là một cột mốc quan trọng? Với bé, đó thật sự là một sự thay đổi lớn. Cho đến thời điểm đó, thế giới với bé trước đây chẳng có gì khác ngoài sữa.
Nhờ vào những món ăn mới này, bé có thể lựa chọn thích hoặc không thích món này, món kia. Qua đó bé thể hiện được cá tính của bản thân mình. Điều này cũng thúc đẩy bé bày tỏ bản thân nhiều hơn. Và thông thường những món ăn bé thích giai đoạn này cũng sẽ trở thành những món khoái khẩu khi bé trưởng thành. Vì thế giai đoạn ăn dặm thật sự rất quan trọng đối với trẻ, đánh dấu bước chân đầu tiên của bé vào thế giới của người lớn.
Sau khi khám phá ra bản thân mình, bé cũng đồng thời nhận thấy thức ăn cũng giống như một trò chơi thú vị. Từ vị trí bị động với bình sữa trên tay, bé trở thành một người chơi chủ động. Bé giao tiếp nhiều hơn trong bữa ăn và bắt đầu gọi tên các thức ăn và ngân nga những cái tên đó. Dần dần niềm vui trong bữa ăn sẽ trở thành một thói quen mới và lúc này mẹ phải vận dụng hết khả năng của mình để có thể gây được chú ý của bé vào việc tập trung ăn. Và tất nhiên khi bé tập ăn bằng muỗng, hình ảnh bé yêu vấy bột ăn dặm tèm lem lên mặt chắc chắn sẽ khiến mẹ bật cười. Bé yêu của mẹ đang ở trong một thiên đường của thức ăn!
Ăn là một trải nghiệm tuyệt vời
Ăn chính là trải nghiệm tuyệt vời đầu đời của bé. Nếu như sự ôm ấp của mẹ khiến bé cảm thấy được sự ấm áp và an toàn, thì việc ăn dặm sẽ cho bé cơ hội khám phá một chân trời mới. Những biểu cảm gương mặt như cau mày, nhăn mặt với một loại thức ăn bé không thích hay sự vui sướng với những loại thức ăn yêu thích sẽ mang đến cho mẹ thật nhiều cảm xúc.
Khi bé nhận ra mình đang là trung tâm của sự chú ý, bé sẽ cố gắng tranh thủ mọi lúc để làm mọi người xung quanh cười. Bà của bé sẽ suốt ngày muốn ở quanh bé cho đến khi bé vấy bẩn đầy khắp nơi. Mẹ đừng lo, bé chỉ đang học cách là một thành viên của gia đình và tìm cách thiết lập vị trí của riêng mình!
Chiếc muỗng đầu tiên
Với tất cả những điều đã đề cập phía trên, chiếc muỗng đầu tiên của bé thật sự là một khoảnh khắc đáng giá. Vì thế, mẹ nên chuẩn bị thật kỹ cho điều này: mua cho bé 1 chiếc thìa bằng nhựa để bé cảm thấy dễ chịu, tập cho bé ngồi vào bàn. Và mẹ cũng đừng quên chụp lại một bức ảnh nhé. Ở những lần đầu tiên có thể bé chỉ cho chiếc thì vào miệng để mút. Tuy nhiên mẹ đừng nản chí, với bé đây cũng là một bước tiến khi bé nhận ra nó có thể cho vào miệng. Mẹ nên cho bé bắt đầu dùng muỗng với những thức ăn quen thuộc để tránh gây cảm giác lạ lẫm cho bé.
Nếu bé chỉ ngồi im lặng và không phản ứng gì với chiếc muỗng, mẹ hãy kiên nhẫn thử lại vào lần khác.
Bé không thích!
Trong một số trường hợp, mặc cho mọi nỗ lực của mẹ để cho bé ăn, bé vẫn không chịu ăn. Đây được gọi là chứng sợ ăn, hoặc bé có ác cảm với những thức ăn mới. Nó thường bắt đầu lúc bé 2 tuổi và đạt tới đỉnh điểm khi bé từ 4 đến 7 tuổi. Có rất nhiều lý do để bé có thể từ chối một loại thực phẩm nào đó: một cách khẳng định bản thân, sở thích cá nhân, sự cảnh giác với những thực phẩm lạ. Mẹ nên chú ý, nếu mẹ giới thiệu các món ăn mới lạ cho bé trước khi bé 2 tuổi thì sẽ hạn chế được chứng sợ ăn của bé sau này. Hãy tập cho bé ăn các món ăn lạ ngay khi bé có thể ăn dặm và bé sẽ không kén ăn về sau.
Ăn dặm từ 6 tháng tuổi
Mẹ nên chờ cho đến lúc bé được ít nhất từ 6 tháng tuổi mới có thể tập cho bé ăn dặm. Đó là thời điểm hệ tiêu hóa của bé đã hoàn chỉnh để có thể tiêu hóa các loại thức ăn khác ngoài sữa. Sau khi bắt đầu ăn dặm, bé sẽ hình thành khẩu vị riêng của mình và có những phản ứng khác nhau với từng bé khác nhau. Một số bé sẽ rất thích ngồi vào bàn cùng ăn với mọi người. Trong khi những bé khác có thể cảm thấy rất miễn cưỡng khi ngồi vào bàn. Dù bé yêu phản ứng thế nào thì trong thời gian đầu này, sữa vẫn là thức ăn chính của bé, ít nhất 500ml mỗi ngày.
Sau đây là những lời khuyên hữu ích mẹ cần lưu ý: chỉ giới thiệu với bé 1 loại thức ăn mới mỗi lần, có thể cho bé dùng muỗng múc hoặc trộn đều vào sữa của bé.
Bữa ăn đầu tiên của bé có thể bao gồm:
- Ngũ cốc ăn sáng trộn với sữa, cung cấp giàu năng lượng cho bé
- Rau và trái cây: táo, chuối, đào, lê, cà rốt, đậu xanh, rau bó xôi, bí ngô... có thể được chế biến thành bột nhuyễn. Mẹ nên luộc chúng với nước sau đó nghiền nhỏ và nhớ đừng cho thêm gia vị.
Sau 6 tháng tuổi:
- Mẹ có thể chế biến các món thịt, cá và trứng, và tất nhiên phải nghiền nhỏ chúng. Một lưu ý nhỏ là mẹ không nên cho bé dùng lượng đạm quá 10 gam mỗi ngày trong giai đoạn bé từ 6 đến 8 tháng tuổi.
- Ngũ cốc cho trẻ sơ sinh, mì được nấu nhừ sẽ cung cấp năng lượng đầy đủ và cân đối cho bé.
Thời gian ăn dặm của bé sẽ kéo dài trong khoảng 6 tháng. Mẹ có thể thong thả giới thiệu các loại thức ăn cho bé.
Giai đoạn 1 tuổi đến 3 tuổi
Trong giai đoạn này sữa vẫn tiếp tục là thức ăn không thể thiếu của bé, ít nhất 500ml một ngày bao gồm các sản phẩm từ sữa.
Bé yêu giờ đây đã có thể ăn hầu như mọi thứ thông qua 4 bữa ăn trong ngày (sáng, trưa, xế, chiều):
- Tinh bột từ mì, cơm và khoai tây
- Bé có thể ăn trọn một quả trứng và từ 15 gam đến 30 gam thịt, cá
- Các loại đậu nấu nhừ
- Các loại trái cây cắt nhỏ và một số loại trái cây nhiệt đới như dứa, xoài...
- Sô-cô-la
Mẹ nên cố gắng cho bé ăn thật phong phú. Thay vì nghiền nhỏ thành bột, mẹ nên chuyển sang cắt nhỏ các loại thức ăn. Khi nấu ăn mẹ nhớ để ý lượng gia vị nêm và tránh chiên hay dùng nhiều mỡ. Sau khi nấu chín mẹ nhớ cho một chút dầu hạt cải, omega-3 và omega-6 có trong dầu hạt cải rất tốt cho sự phát triển của bé.
Đối với khối lượng cho khẩu phần của bé thì chính bé là thước đo tốt nhất. Bé sẽ dừng ăn khi cảm thấy no. Sau bữa ăn, một ly nước lọc là tốt nhất cho bé.