1 CHẬM PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ LÀ GÌ?
Chậm phát triển trí tuệ còn được gọi là chậm phát triển tâm thần hay thiểu năng trí tuệ, đây là một dạng khiếm khuyết đặc trưng bởi trí tuệ hay khả năng tinh thần dưới mức trung bình và thiếu những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hằng ngày.
Người bị chậm phát triển trí tuệ có bị hạn chế ở 2 mặt:
a. Hoạt động trí tuệ hay còn được gọi là chỉ số IQ là khả năng học hỏi, khả năng suy luận hoặc ra quyết định và giải quyết vấn đề.
b. Hành vi thích nghi là những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như khả năng giao tiếp, khả năng tương tác với người khác và khả năng tự lập.
2. NGUYÊN NHÂN GÂY THIỂU NĂNG TRÍ TUỆ ?
a. Những bệnh lí di truyền như rối loạn nhiễm sắc thể X, Hội chứng DOWN…
b. Những trường hợp mẹ lạm dụng rượu hoặc ma túy trong thai kỳ cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành trí não của bé và gây chậm phát triển trí tuệ.
c. Chế độ dinh dưỡng thai kỳ của mẹ không được đảm bảo, dẫn đến suy dinh dưỡng bào thai.
d. Do trong quá trình mang thai, mẹ mắc các bệnh như Rubella, giang mai, sởi…cũng sẽ ảnh hưởng đến trí não và trí tuệ của bé.
e. Nếu bé bị sinh nhẹ cân thiếu tháng hoặc sinh ngạt cũng dễ có nguy cơ bị tổn thương não gây chậm phát triển trí tuệ.
f. Mắc các căn bệnh nguy hiểm gây ảnh hưởng đến trí não trong giai đoạn sơ sinh như: Viêm màng não, ho gà, sởi...
g. Ngoài ra, môi trường xã hội cũng là một yếu tố lớn gây ra chậm phát triển trí tuệ như bé không được chăm sóc đầy đủ về mặt y tế và thể chất (thiếu dinh dưỡng, không được tiêm phòng đầy đủ), thiếu thốn về mặt tâm lý - xã hội (bị bỏ bê hoặc lạm dụng).
h. Ngoài ra, việc bố mẹ quá bảo bọc con có thể làm hạn chế khả năng học hỏi và khám phá của con dẫn đến việc trẻ chậm chạp, nhận thức kém hơn bé cùng tuổi.
3. CÁC DẤU HIỆU CHẬM PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ Ở TRẺ EM
Có rất nhiều dấu hiệu khác nhau của chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em. Dấu hiệu có thể xuất hiện trong giai đoạn sớm sau sinh (từ vài tuần tuổi) nhưng cũng có thể đến khi bé 2-3 tuổi thì chúng ta mới nhận ra. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến và dễ nhận thấy nhất của triệu chứng chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em mà bố mẹ cần lưu ý là:
a. Chậm vận động tinh thô như chậm biết lật,chậm biết ngồi, trốn bò hoặc chậm biết đi, khả năng cầm nắm kém.
b. Bé có xu hướng chậm nói, hoặc bé 3 tuổi gặp khó khăn trong việc diễn giải suy nghĩ của mình với bố mẹ.
c. Bé rất chậm khi học một số kỹ năng tự lập như tự ngồi bô, tự mặc quần áo và tự ăn uống
d. Bé gặp khó khăn khi ghi nhớ những điều mới.
e. Có các vấn đề hành vi như dễ giận dữ hoặc dễ kích động, bé có thể tự làm đau mình và lặp đi lặp lại hành vi này nhiều lần.
4. BỐ MẸ NÊN LÀM GÌ KHI KHI NGHI NGỜ CON MÌNH CHẬM PHÁT TRIỂN?
Bố mẹ cần chú ý yêu thương và dành nhiều thời gian cho con để sớm nhận thấy những dấu hiệu bất thường của bé và đưa con đến khoa Tâm Lý của các bệnh viện Nhi Đồng uy tín để kiểm tra, đánh giá càng sớm càng tốt. Việc can thiệp sớm và đúng cách có thể giúp bé có thêm nhiều kỹ năng và hòa nhập xã hội tốt hơn như trẻ bình thường.
BS CK I Thái Thanh Thủy Trưởng khoa Tâm Lý Bệnh viện Nhi Đồng 2