MyFeed Personalized Content
Thông tin chuẩn cho mẹ&bé từ 6 - 12 tháng tuổi
Bài viết
Add this post to favorites

Cho trẻ ăn dặm - Làm quen với thức ăn đặc

Cho bé những thìa thức ăn giàu dinh dưỡng giúp bé tăng trưởng và phát triển tối ưu

5 min để đọc Oct 17, 2015

Chiếc bụng tí hon

Có thể coi việc khởi đầu ăn dặm là một mốc phát triển đáng nhớ! Vì dạ dày bé còn nhỏ và sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính, trong tháng thứ 6, bé chỉ mới ăn được những phần thức ăn nhỏ. Tuy những bữa ăn đầu tiên này rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển vì bé có nhu cầu dinh dưỡng cao, kích thước dạ dày nhỏ lại khiến bé rất nhanh no.

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ nhỏ không giống các trẻ lớn và người trưởng thành

Nhìn vào cân nặng của bé sơ sinh so với trẻ lớn và người trưởng thành, có thể thấy rằng các bé sơ sinh có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn hẳn, đặc biệt là vitamin và chất khoáng. Ở khoảng tháng thứ 6, khi nguồn chất sắt dự trữ trong cơ thể bé giảm đi, bé sẽ cần một nguồn sắt bổ sung bên cạnh sữa mẹ. Bột thịt và bột ngũ cốc dinh dưỡng bổ sung sắt thường được khuyên dùng làm những thức ăn đầu tiên của bé, bởi chúng là những nguồn sắt tốt.

Kết hợp sữa mẹ và thức ăn đặc

Khi bé đang tập nhận biết những hương vị và kết cấu mới của thức ăn, sữa mẹ vẫn là nguồn cung cấp chính cho nhu cầu năng lượng của bé. Từ 6 đến 8 tháng, sữa mẹ sẽ vẫn đáp ứng hầu hết (khoảng 2/3) nhu cầu năng lượng của bé. Đến 9-12 tháng, khi bé đã ăn được nhiều thức ăn hơn, sữa mẹ sẽ cung cấp khoảng ½ lượng năng lượng cần thiết.

Bé yêu sẽ uống sữa mẹ theo nhu cầu, và từ khoảng 6 đến 12 tháng, mẹ sẽ thấy niềm yêu thích với thức ăn tăng lên và bé sẽ bú ít đi. Mẹ hãy cho bé ăn những loại thức ăn chứa nhiều dưỡng chất cần cho cơ thể đang phát triển của bé, đặc biệt là những món giàu dinh dưỡng như bột ngũ cốc ăn dặm bổ sung chất sắt, các loại thịt cùng với trái cây và rau để cung cấp các vitamin và khoáng chất khác. Lưu ý, mẹ nên tôn trọng những dấu hiệu đói và no của bé, không ép bé ăn khi bé đã ra dấu hiệu cho thấy bé không còn đói nữa. Một bữa ăn khác sắp đến nhanh thôi, và bé có lẽ sẽ đói hơn trong cữ ăn này.

Chất đạm rất quan trọng với sự tăng trưởng, sức khỏe nói chung và hơn thế nữa…

Khi được 6 tháng, bé sẽ tăng cân nặng gấp đôi so với lúc mới sinh và vào sinh nhật 1 tuổi, cân nặng đã tăng gấp 3, chiều cao cũng đã tăng gấp rưỡi. Năm đầu tiên chính là giai đoạn phát triển nhanh nhất trong cuộc đời của bé. Một trong những chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với bé là đạm. Là dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng lành mạnh và sự phát triển của bộ não, đạm có thể được xem là một trong những dưỡng chất quan trọng nhất mà bé cần.

Đạm cũng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của cả hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch. Mẹ không cần lo lắng về lượng đạm mà bé hấp thu vì sữa mẹ sẽ cung cấp hỗn hợp các loại đạm chất lượng cao ở một lượng thích hợp cho nhu cầu tăng trưởng của bé. Thêm vào đó, các nghiên cứu khoa học mới cũng cho thấy rằng mức đạm trong sữa mẹ có thể cũng giúp bé đạt được cân nặng lành mạnh.

Bé cần thức ăn đặc

Việc tập làm quen với thức ăn dạng đặc không nhằm mục đích thay thế sữa mẹ mà có vai trò bổ sung dinh dưỡng bên cạnh sữa mẹ, vì vậy, những loại thức ăn đầu tiên thường được quy vào nhóm các thực phẩm bổ sung.

Việc cho bé bắt đầu ăn dặm bằng những món giàu dinh dưỡng vào khoảng 6 tháng tuổi có vai trò quan trọng vì những lý do sau:

- Cung cấp nguồn dinh dưỡng mà bé cần bên

cạnh sữa mẹ.

- Dạy bé cách ăn với thìa.

- Giới thiệu cho bé những hương vị và kết cấu của thức ăn để giúp bé chấp nhận những thực phẩm dinh dưỡng mới.

- Việc trì hoãn ăn dặm có thể tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm hoặc eczema, mẹ hãy hỏi bác sĩ khi nào thì có thể bắt đầu cho bé thử những loại thực phẩm bổ sung có thể gây dị ứng.

Làm cho mỗi thìa bé ăn đều đáng giá

Khi mẹ chọn thực phẩm cho bé, nên nhớ rằng dạ dày con rất nhỏ. Sẽ không có chỗ cho những loại thực phẩm nghèo dinh dưỡng. Nếu mẹ cho bé ăn đồ ngọt hay nước ngọt, dạ dày bé sẽ bị những món này chiếm trọn và không còn chỗ cho những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng mà bé cần.

Khi bé đã quen với những hương vị và các dạng kết cấu đặc, lỏng khác nhau của thực phẩm, đồng thời tiến gần hơn đến mốc 1 tuổi, bé có thể ăn nhiều loại thức ăn đặc hơn. Thực đơn mỗi ngày của bé nên bao gồm trái cây, rau, thịt và ngũ cốc nguyên hạt nhằm bổ sung cho sữa mẹ.