MyFeed Personalized Content
Bé từ 12 - 24 tháng tuổi
Bài viết
Add this post to favorites

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn

Xem ngay những biện pháp chăm sóc dinh dưỡng giúp mẹ xử lý “bệnh” biếng ăn ở trẻ từ 12 - 18 tháng, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

5 min để đọc Jan 9, 2020

Bước vào giai đoạn 12 - 18 tháng tuổi, trẻ bắt đầu phát triển ngôn ngữ, biết đi lẫm chẫm với nhu cầu khám phá thế giới xung quanh nhiều hơn, và do đó cần nhiều năng lượng từ nguồn thực phẩm dinh dưỡng hơn. Tuy nhiên, việc biết thêm nhiều kĩ năng mới và tò mò với mọi vật xung quanh cũng khiến trẻ dễ chán ăn, biếng ăn và thậm chí là bỏ ăn.

Song song với chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bằng việc cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết, mẹ cần quan tâm đến việc giúp trẻ tìm thấy niềm vui trong mỗi bữa ăn, khám phá thế giới của mùi vị và màu sắc trong từng món ăn cho trẻ.

Những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn

Hiểu được những nguyên nhân gây biếng ăn cho trẻ sẽ giúp mẹ có những biện pháp chăm sóc dinh dưỡng phù hợp:

  • Trẻ ở giai đoạn “bản lề” với nhiều chuyển đổi: Ở giai đoạn bắt đầu ăn dặm, trẻ thường háo hức khám phá những món ăn cho trẻ đầu tiên trong đời. Tuy nhiên, sang đến lứa tuổi 12 - 18 tháng, khi đã quen dần với một số món ăn dặm, trẻ bắt đầu giảm hẳn sự thích thú trong ăn uống. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc trẻ có nhiều thú vui, nhiều điều cần khám phá hơn nên mất tập trung dành cho bữa ăn, hoặc cũng có thể bắt nguồn từ thực đơn cho trẻ đã trở nên quen thuộc, lặp đi lặp lại gây nhàm chán.
  • Trẻ trải qua các cột mốc phát triển: Các cột mốc như mọc răng có thể gây sốt, bé vừa khỏi bệnh,… cũng góp phần vào việc làm trẻ lười ăn. Khi đột ngột phải chuyển sang một môi trường mới, như đi nhà trẻ, thay đổi người chăm sóc, thay đổi lịch ăn, thay đổi thực đơn cho trẻ,… cũng khiến trẻ cảm thấy bối rối và dẫn đến giảm hứng thú trong việc ăn uống.
  • Trẻ bị ám ảnh xấu về thức ăn: Trẻ từng bị sặc thức ăn hoặc ăn nhầm thức ăn quá nóng hay quá lạnh cũng tạo nên ấn tượng xấu trong trí nhớ, khiến bé sẽ sợ hãi với một số món ăn, không còn thích thử những món mới hoặc từ chối bữa ăn. Mẹ có thể tham khảo thêm bài viết Phòng Tránh Hóc Sặc Khi Ăn Dặm Tự Chỉ Huy.

Tìm hiểu nguyên nhân trẻ biếng ăn để có biện pháp chăm sóc dinh dưỡng hợp lý

  • Cho trẻ ăn dặm quá sớm: Trẻ ăn dặm quá sớm trước 4 tháng, khi hệ tiêu hóa của bé chưa sẵn sàng, hoặc quá muộn sau 6 tháng tuổi cũng, có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ.
  • Phương pháp ăn không khoa học: Ép trẻ ăn quá nhiều, bế rong khi cho trẻ ăn hoặc sử dụng điện thoại, ti vi để “dụ dỗ” trẻ ăn cũng làm các bé xao nhãng trong việc ăn uống.
  • “Tẩm bổ” quà vặt quá mức: Mẹ nghĩ bé không ăn nhiều vào bữa chính nên tăng cường các bữa ăn phụ, các món ăn vặt ngoài giờ ăn chính. Các bữa ăn liên tiếp với lượng nhiều cũng có thể làm bé thiếu hào hứng với bữa ăn sau đó, hoặc thậm chí bỏ ăn vì vẫn còn no.

Bí quyết chăm sóc dinh dưỡng giúp trẻ ăn ngon miệng hơn

Thay vì quá lo lắng khi con bỏ bữa, biếng ăn, dẫn đến ép con hoặc dùng các thiết bị điện tử như điện thoại, ipad, ti vi,… để dụ dỗ con ăn, dẫn đến thói quen ăn uống phi khoa học, mẹ có thể nhẹ nhàng quan sát các dấu hiệu của con trong bữa ăn, để từ đó thay đổi phù hợp thực đơn cho trẻ, giúp bé lấy lại cảm giác thèm ăn, ngon miệng và hứng thú với những món ăn cho trẻ hơn.

  • Theo dõi thái độ của con với từng món ăn cho trẻ để từ đó điều chỉnh thích hợp cho các bữa ăn sau.
  • Thường xuyên thay đổi thực đơn cho trẻ với các món ăn phong phú, đầy đủ các nhóm dưỡng chất chính.
  • Không căng thẳng, ép buộc khi con tỏ ra biếng ăn. Tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong giờ ăn giúp con cảm thấy đây là thời điểm để “tận hưởng” bữa ăn, chứ không phải là thử thách đầy mệt mỏi.

Thay đổi thực đơn cho trẻ thường xuyên là một trong những cách chăm sóc dinh dưỡng

  • Hãy bình tình nếu con bỏ bữa – vẫn còn có các bữa ăn kế tiếp. Và hãy yên tâm rằng, 1 hoặc 2 bữa bé ăn ít sẽ không ảnh hưởng đến sự chăm sóc dinh dưỡng lâu dài của mẹ dành cho trẻ.
  • Ăn thức ăn lỏng, uống nhiều nước, tăng cường các cữ bú hoặc sữa khi trẻ không khỏe như bị rối loạn tiêu hóa, cảm sốt và cho trẻ nghỉ ngơi nhiều để mau chóng hồi phục sức khỏe. Tránh tình trạng ép bé ăn quá nhiều vì sợ thiếu chất, dẫn đến việc bé sợ và bỏ ăn sau khi khỏi bệnh.
  • Cho trẻ ăn cùng cả nhà để chia sẻ không khí bữa ăn gia đình. Trẻ nhìn thấy mọi người ăn uống ngon miệng sẽ nhanh chóng “bắt chước” theo và vui vẻ với những món ăn cho trẻ. Để tập cho bé ăn dặm cùng cả nhà mẹ có thể tham khảo hướng dẫn Cách Cho Bé Ăn Dặm Cùng Cả Nhà.

Tổng hợp từ: bvndtp.org.vn & benhviennhitrunguong.org.vn.