MyFeed Personalized Content
Bé từ 2 - 6 tuổi
Bài viết
Add this post to favorites

Mách mẹ cách dạy con ngoan để xử lý các cơn ăn vạ

Xem ngay những “tuyệt chiêu” về cách dạy con ngoan giúp mẹ xử lý triệt để các cơn ăn vạ của con một cách hiệu quả.

6 min để đọc Jan 6, 2020

Những cơn ăn vạ đầy nước mắt ngay giữa nơi công cộng và có khả năng kéo dài hàng tiếng đồng hồ là “vũ khí” lợi hại của các bé, để đạt được những đòi hỏi cần mẹ đáp ứng ngay lập tức. Mẹ thường lúng túng và chiều theo bé để tránh ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, dù việc đó có thể khiến những cơn “khủng hoảng tuổi lên 2, lên 3” ngày càng diễn ra thường xuyên hơn. Để bố mẹ có thể nhẹ nhàng và thoải mái khi nuôi dạy con ở độ tuổi này, hãy xem thêm Cách Nuôi Dạy Trẻ Vượt Qua Khủng Hoảng Tuổi Lên 3 (hyperlink bài STT 290) nhé!

Đồng thời với tư vấn cụ thể từ chuyên gia Anh Nguyễn (bệnh viện Hoàng gia Worcester - Anh), mẹ có thể yên tâm sử dụng 3 cách dạy con ngoan để ngăn chặn và xử lý những tình huống ăn vạ khác nhau của các con trong độ tuổi này.

 

Làm bé xao nhãng (Công cụ distraction)

“Đánh trống lảng” là tuyệt chiêu cách dạy con ngoan từ bé hữu hiệu dành cho các bé dưới 15 tháng tuổi, bởi các bé ở độ tuổi này thường có độ tập trung rất ngắn và mau chóng hướng sự chú ý đến sự vật, sự việc khác trong tích tắc.

Mách mẹ cách dạy con ngoan với phương pháp làm bé xao nhãng


Chẳng hạn như, khi bé ăn vạ để đòi món đồ chơi nào đó, hãy bế bé sang hướng khác và chỉ vào một người nào đó để chuyển hướng chú ý của con. Phương pháp dạy con đúng cách lúc này đó là bạn hãy mô tả một vài câu ngắn để thu hút bé vào sự vật/ người mới xuất hiện để con quên món đồ chơi vừa đòi trước đó. Tránh hứa hẹn sẽ mua món khác hoặc mua lúc khác, vì điều này khiến bé gợi nhớ và liên tưởng nhiều đến món đồ chơi đó, và vì vậy sẽ khó bị đánh lạc hướng.

Tuy nhiên, mẹ lưu ý không sử dụng công cụ “đánh trống lảng” cho các bé ở độ tuổi lớn hơn, vì lúc này con có khả năng nhớ và tập trung lâu hơn, nên áp dụng cách dạy con này dễ bị tác dụng phụ, khiến bé càng khóc to hoặc kéo dài thêm cơn ăn vạ.

Quy ước “thời gian chờ” (Phương pháp 1-2-3 Go & Magic)

Khi con mải chơi hay nhất định không rời mắt khỏi màn hình ti vi dù đã đến giờ ăn, mẹ có thể áp dụng cách dạy con ngoan từ bé bằng cách quy ước một khoảng thời gian nhất định cho con tiếp tục hoàn thành nốt thú vui hay việc con đang làm dở.

Chỉ nên quy định khoảng thời gian ngắn, từ 1 – 3 phút, và ngay khi hết “thời gian chờ”, bé phải kết thúc thú vui hoặc trò chơi ngay. Công cụ “canh giờ” này nên dùng khi bé hay tỏ ra “lề mề”, dây dưa với trò chơi của mình và phớt lờ lời gọi của mẹ. Ví dụ, mẹ có thể dặn bé: “Con sẽ có 3 phút để cất những quyển truyện lên kệ. Sau 3 phút nếu con không cất, con sẽ không được xem những quyển truyện này từ bây giờ đến sáng mai.”

Quy ước “thời gian chờ" và áp dụng quy tắc cho bé là một trong những cách dạy con ngoan hiệu quả

Mẹ cần vững lòng, nghĩa là giữ đúng quy ước nếu con phá luật, nhằm đảm bảo dạy con đúng cách ghi nhớ “luật chơi” và tuân thủ trong những lần sau. Trong những giây cuối cùng trước khi hết “thời gian chờ”, mẹ nên cho bé lời nhắc duy nhất, và cũng là cuối cùng. Sau thời gian đó, mẹ phải “làm nghiêm”, thực hiện đúng luật.

Nếu bé giữ đúng quy ước, mẹ hãy động viên bé, với “công thức” vừa động viên, khen về nỗ lực vừa rồi của con, vừa hướng bé tới hoạt động kế tiếp mẹ cần bé thực hiện. Chẳng hạn như, “Mẹ rất hài lòng vì con dọn dẹp rất sạch sẽ. Nào xuống bếp với mẹ, có món này mẹ cần con phụ lắm nè!”. Trong trường hợp bé phá quy ước và lăn ra ăn vạ, mẹ hãy dùng đến công cụ về cách dạy con ngoan cuối cùng bên dưới nhé.

Tạm dừng các hoạt động (công cụ Time-out)

 

Khi 2 công cụ đầu tiên không thành công (khi con lớn hơn, thích phá vỡ quy tắc và ăn vạ), mẹ có thể sử dụng phương pháp cách dạy con ngoan có tên gọi là “Tạm dừng các hoạt động” này, nhất là trong trường hợp bé có xu hướng tự làm đau bản thân hay người khác, đùa nghịch gây nguy hiểm (nghịch hóa chất hoặc tự ý chạy ra đường), hoặc bướng bỉnh kéo dài.

Để áp dụng quy tắc này, trước tiên mẹ cần ấn định với bé một nơi trong nhà là nơi time-out - “tạm ngừng mọi hoạt động”. Nơi này có thể là 1 chiếc ghế ở góc tường hoặc 1 khu vực nào đó yên tĩnh, tránh các tác nhân có thể chi phối bé khi thực hiện time-out như TV, giường, ghế sofa hoặc nơi có đông người nhà đang sinh hoạt. Nhưng cũng không phải là khu vực có thể làm bé hoảng sợ (như trong nhà kho chật hẹp, tối tăm). Mẹ cũng sẽ nói trước với con rằng, khi con vi phạm luật, con sẽ phải vào vùng time-out này và mẹ sẽ không nói chuyện với con trong suốt thời gian time-out.

Phương pháp time-out sẽ giúp mẹ dạy con đúng cách khi bé quá bướng bỉnh

Khi con vi phạm, mẹ bế bé hoặc yêu cầu bé vào ngay vùng time-out và cho bé biết lí do ngắn gọn tại sao con lại vào vùng time-out, ví dụ như “Bin, con hãy vào đứng im lặng vào góc tường trong 2 phút vì con vừa mở tất cả hộp thuốc của mẹ mà không xin phép mẹ”. Lúc này thái độ của mẹ trong cách dạy con cần nghiêm khắc và không để ý đến bé, cho dù bé la hét. Mẹ cũng không nên đôi co, quát mắng hay chấp nhận lời xin lỗi của bé khi đã tuyên bố áp dụng time-out. Số phút bé ở trong vùng này bằng số tuổi của bé. Ví dụ, với bé 2 tuổi, thời gian con “tạm ngừng các hoạt động” sẽ là 2 phút.

Sau khi thời gian time-out kết thúc, mẹ hãy dạy con đúng cách bằng cách nói chuyện chi tiết hơn cho bé nghe, tại sao con lại ngồi đây và làm sao để lần sau con không ngồi ở đây nữa. Đồng thời, bố mẹ có thể xem thêm Thưởng Hay Phạt - Đâu Là Cách Dạy Con Ngoan để cập nhật thêm bí quyết dạy con hiệu quả nhé!