Chuẩn bị cho bé đi học mẫu giáo nhưng mỗi lần phải xa cha mẹ lại khóc thật nhiều và chưa biết cách nói "tạm biệt"? Hãy thử áp dụng những gợi ý về cách dạy con nói tạm biệt dưới đây để bé không còn lo lắng khi phải xa cha mẹ và hiểu được ý nghĩa của hành vi "tạm biệt" đầy yêu thương nhé.
1. Cách dạy con nói tạm biệt: hãy dứt khoát nhưng vẫn đầy yêu thương
Trẻ bắt đầu có nỗi lo lắng chia xa lúc 8 tháng tuổi, lúc này trẻ đã hiểu cha mẹ và mình là những cá thể riêng biệt và cha mẹ có thể rời đi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ chưa thể hiểu được cha mẹ sẽ quay trở lại nên việc trẻ sợ chia xa là biểu hiện bình thường, thể hiện tình yêu thương của trẻ đối với cha mẹ. Chính vì yêu thương cha mẹ và sợ bị bỏ rơi nên trẻ sẽ có những phản ứng mạnh mẽ như gào khóc, giận dỗi... khi cha mẹ chuẩn bị đi đâu đó.
Cách dạy con đúng cách để con nói tạm biệt, cha mẹ hãy làm gương trước. Mỗi khi chuẩn bị đi đâu đó, thay vì "lẩn tránh" hoặc "lẻn đi", cha mẹ hãy ôm hôn, nói tạm biệt với bé, vẫy tay cùng bé và yêu cầu bé vẫy tay tạm biệt mình. Cha mẹ càng duy trì hành động này thường xuyên, bé sẽ càng dễ dàng hiểu được khái niệm chia tay. Trong thời gian đầu, bé sẽ khóc lóc dữ dội vì thế, luôn cần có sự phối hợp của người thân trong gia đình nữa nhé. Người thân có thể làm bé bớt khóc bằng cách hướng sự chú ý của bé vào đồ chơi hoặc bài hát cho trẻ em yêu thích… Cha mẹ phải thật dứt khoát khi tạm biệt bé nhưng vẫn nhìn bé với ánh mắt đầy yêu thương, để bé hiểu rằng cha mẹ không bỏ rơi bé
2. Cách dạy con nói tạm biệt: hãy cam kết thời gian quay về và giải thích với con lý do của sự chia xa
Bên cạnh lời nói tạm biệt, cha mẹ cũng cần giúp cho bé hiểu rằng sự chia xa này chỉ là tạm thời và cha mẹ sẽ quay trở lại sớm thôi, bé đừng lo lắng. Cam kết này phải được thực hiện đúng để tạo niềm tin với con. Bé chưa có khái niệm về thời gian thì bạn có thể sử dụng đồng hồ làm công cụ quan sát cho bé. Ví dụ: "Mẹ phải đi chợ rồi, nhưng mẹ chỉ đi một chút thôi rồi mẹ sẽ quay về với con sớm trong 1 tiếng nữa; con nhìn đồng hồ xem, khi kim chỉ số 10, mẹ sẽ về."
Nếu vì lý do gì mà cha, mẹ không thể về đúng giờ thì hãy gọi điện về nhà, thông báo cho con, con sẽ yên tâm hơn khi nghe giọng cha mẹ đấy. Khi tạm biệt và giải thích cho con, cha mẹ cũng đừng quên nguyên tắc đầu tiên là sự dứt khoát, hãy nói ngắn gọn; tạm biệt dài sẽ khiến bé làm nũng nhiều hơn.
3. Cách dạy con nói tạm biệt: hãy duy trì và tạo thành thói quen
Trẻ sẽ an tâm hơn khi trẻ biết được những gì quen thuộc sẽ xảy ra. Vì vậy, cha mẹ hãy cố gắng duy trì việc nói tạm biệt theo cùng một cách, trong cùng một khoảng thời gian. Ví dụ: khi cha mẹ chuẩn bị đi làm, mẹ đi chợ, đưa bé đến trường... Việc lặp đi lặp lại một nội dung sẽ giúp bé dễ nhớ hơn và dễ quen với sự tạm biệt.
4. Cách dạy con nói tạm biệt: hãy chào con khi về nhà
Khi cha mẹ trở về, trẻ sẽ rất vui; vì vậy, hãy khiến khoảng thời gian này thêm ý nghĩa. Hãy chào con đầy yêu thương khi bé về nhà, thể hiện rằng cha mẹ cũng rất nhớ bé và sự chia xa chỉ là bất khả kháng để bé yên tâm rằng cha mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi bé. Cha mẹ cũng có thể kể cho con nghe về một ngày của mình, về những điều thú vị bên ngoài để kích thích sự tò mò, khám phá thế giới xung quanh của bé để chuẩn bị cho bé đi học mẫu giáo.
Mong rằng những gợi ý này sẽ giúp cha mẹ dạy con đúng cách để con nói tạm biệt nhé. Mến chúc các bé luôn vui khỏe mỗi ngày để phát triển trọn tiềm năng!
Hiệu đính Bác sĩ: ThS.BS Hoàng Phương Anh - Phân môn Tâm Thần nhi chu sinh- Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch