MyFeed Personalized Content
Thông tin chuẩn cho mẹ&bé từ 2 - 6 tuổi
Bài viết
Add this post to favorites

Các giai đoạn phát triển của trẻ đến 5 tuổi

Cùng tìm hiểu các giai đoạn phát triển của trẻ đến 5 tuổi sẽ diễn ra như thế nào, để giúp mẹ dễ theo dõi và đánh giá tình trạng của con nhé!

7 min để đọc Jan 14, 2021

Dưới 5 tuổi là giai đoạn vàng phát triển thể chất, trí não cũng như hình thành nhân cách, nhận thức của trẻ. Những cột mốc quan trọng trong các giai đoạn phát triển của trẻ mà Nestlé Mom & Me gợi ý dưới đây sẽ giúp bố mẹ dễ theo dõi, đánh giá tình trạng phát triển của con, qua đó, hỗ trợ con kịp thời để giúp trẻ phát triển toàn diện, trọn tiềm năng.

 

 

2 tháng tuổi

2 tháng tuổi: Trẻ đã biết cười khi tiếp xúc với người khác

Vào thời điểm 2 tháng tuổi, trẻ đã biết cười khi tiếp xúc với người khác, cười thành tiếng, tự trấn an bản thân bằng cách ngậm tay, cố gắng nhìn theo bố mẹ, quay đầu về phía có tiếng động, nhìn theo vật di động, giữ đầu ngẩng cao khi cho nằm sấp.

4 tháng tuổi

4 tháng tuổi: Trẻ đã có thể tương tác tốt và bắt đầu thể hiện cảm xúc đa dạng

4 tháng tuổi là cột mốc quan trọng tiếp theo trong các giai đoạn phát triển của trẻ. Giai đoạn này trẻ đã bắt đầu phát triển nhận thức đầu tiên khi thích chơi với người khác, bắt chước một số biểu thị khuôn mặt (như cười hay nhăn mặt), bập bẹ và bắt chước những âm thanh mà trẻ nghe thấy, khóc theo các cách khác nhau để biểu thị cảm giác đói/ đau/ mệt, cho bố mẹ biết trẻ đang vui hay buồn, nhìn và muốn với tới món đồ chơi bằng một tay, dùng tay giữ và lắc đồ chơi, nhận ra người quen, giữ đầu thẳng không cần hỗ trợ, đứng bằng chân khi được đặt bàn chân trên mặt phẳng cứng, lật từ tư thế nằm sấp sang nằm ngửa.

6 tháng tuổi

6 tháng tuổi: Trẻ bắt đầu ngồi thẳng, có xu hướng cho đồ vật vào miệng, và phản xạ mở miệng khi được đút ăn

Cột mốc thứ 3 trong các giai đoạn phát triển của trẻ là 6 tháng tuổi. Trẻ đã biết phân biệt người quen và người lạ, thích tự nhìn mình trong gương, nhận biết tên của bản thân, bập bẹ khi vui hay buồn, đưa đồ chơi lên ngậm, bắt đầu ngồi thẳng không cần hỗ trợ, khi được cho đứng thì chân chịu được sức nặng và có thể nhún nhảy, có phản xạ mở miệng khi bố mẹ đút ăn. Bố mẹ có thể tham khảo thêm Cách Để Phát Triển Nhận Thức Ở Trẻ Hiệu Quả  nhé!

9 tháng tuổi

9 tháng tuổi: Kỹ năng vận động tinh phát triển, trẻ có thể cầm nắm đồ vật khéo léo hơn

9 tháng tuổi là cột mốc khá quan trọng trong các giai đoạn phát triển của trẻ mà mẹ cần lưu ý. Trẻ có thể sợ người lạ, tỏ ra yêu thích một món đồ chơi nào đó, hiểu được lời nói “không”, bập bẹ nhiều âm thanh như “mamama” hay “bababa”, bắt chước tiếng nói và hành động người khác, dùng ngón tay chỉ vào vật, cố gắng tìm món đồ mà trẻ thấy bạn giấu, chơi trò cút hà, chuyền đồ vật từ tay này sang tay khác, bốc nhón vật nhỏ bằng ngón cái và ngón trỏ, đứng vịn và tự ngồi xuống được, tự vịn đứng dậy được, bò giỏi. Bố mẹ cùng có thể xem thêm Mách Mẹ Cách Dạy Con Tập Nói Theo Từng Giai Đoạn (hyperlink bài STT 443) để có thể giúp con phát triển toàn diện hơn nhé!

12 tháng tuổi

12 tháng tuổi: Trẻ có thể đứng được và làm theo những hướng dẫn của cha mẹ

12 tháng tuổi trẻ phát triển nhận thức hơn, biết xấu hổ hoặc sợ hãi khi gặp người lạ, khóc khi bố mẹ quay đi, có món đồ chơi hoặc một người mà trẻ yêu thích, đưa cha mẹ quyển sách mà trẻ muốn bạn đọc cho nghe, lặp lại âm thanh hay hành động để gây sự chú ý. Trong các giai đoạn phát triển của trẻ, đây là mốc trẻ có thể làm theo hướng dẫn của bố mẹ như giơ tay hoặc đưa chân để hỗ trợ bố mẹ mặc áo quần cho trẻ, thực hiện những yêu cầu đơn giản, biết lắc đầu khi nói “không”, biết “bye-bye”, gọi bố hay mẹ, cố gắng lặp lại từ mà bố mẹ đã nói, khám phá mọi thứ bằng nhiều cách như lắc/ đập/ ném, tìm thấy vật được giấu dễ dàng, nhìn vào đúng hình hoặc vật mà bố mẹ gọi tên, sử dụng đồ vật đúng công dụng của nó (như uống nước từ ly, hay dùng lược chải đầu), đập 2 vật với nhau, biết đặt vật vào thùng chứa và ngược lại, đi vịn, có thể bước vài bước không cần vịn, tự đứng một mình.

18 tháng tuổi

18 tháng tuổi: Trẻ đã đi vững, bắt đầu thích trải nghiệm các trò chơi vận động mạnh, hoàn thiện khả năng thăng bằng.

18 tháng tuổi là thời điểm trẻ có những thành tựu và nhận thức vượt bậc trong các giai đoạn phát triển của trẻ. Trẻ biết thể hiện tình cảm với người thân, chơi trò đóng vai đơn giản (như cho búp bê ăn), bám lấy người thân khi đến những môi trường lạ, có thể chơi một mình nhưng cần có bố mẹ ở gần đó, nói nhiều từ đơn, biết nói và lắc đầu biểu thị ý “không”, chỉ vào người mà trẻ muốn. Trẻ đã đi vững, có thể chạy, tự uống nước bằng ly, tự xúc ăn bằng muỗng. Trẻ cũng phát triển nhận thức hơn, có thể phân biệt được các bộ phận cơ thể.

2 tuổi

2 tuổi: Trẻ đã nói bập bẹ, biết phân biệt những đồ vật quen thuộc, hào hứng làm quen và chơi đùa với bạn khác

Sự phát triển của trẻ 2 tuổi đã có sự thay đổi, biết bắt chước, chủ yếu chơi một mình nhưng bắt đầu biết chơi với các bạn khác, thể hiện các hành vi phản kháng. Trẻ nói được câu gồm 2 - 4 từ, lặp lại các từ đã được nghe qua trong cuộc đối thoại, chỉ vào và đọc tên những hình có trong sách. Trẻ biết phân loại hình dạng và màu sắc, chồng nhiều hơn 4 khối hình, sử dụng 1 bên tay nhiều hơn bên tay còn lại, làm theo các chỉ dẫn có 2 bước. Trẻ đứng nhón chân được, biết đá/ ném banh, biết chạy, leo lên leo xuống đồ vật trong nhà, leo lên cầu thang, vẽ vòng tròn/ đường thẳng.

3 tuổi

3 tuổi: Trẻ đã có thể nói được câu hoàn chỉnh, tự tập làm các việc nhỏ

Các giai đoạn phát triển của trẻ khi đến năm 3 tuổi đã bắt đầu cho thấy tính tự lập của trẻ đang được hình thành. Trẻ có nhiều cảm xúc khác nhau, dễ dàng tách khỏi bố mẹ, tự thay quần áo. Trẻ thực hiện được các hướng dẫn gồm 2 - 3 bước, biết tên hầu hết các vật quen thuộc, hiểu khái niệm “bên trong”, “bên trên”, “bên dưới”, gọi tên bố mẹ, biết tên tuổi và giới tính của mình. Trẻ thích chơi với bạn bè, chú ý tới bạn nào khóc, hiểu được ý nghĩa của các khái niệm “của tôi”, “của anh ấy/ cô ấy”. Trẻ chơi được với các món đồ chơi có nhiều chi tiết, ghép hình 3 - 4 miếng, hiểu khái niệm “số hai”, chồng hơn 6 hình khối, mở và đóng nắp hộp/ cánh cửa. Trẻ leo trèo giỏi, đi được xe đạp 3 bánh, đi lên và xuống cầu thang.

4 tuổi

 4 tuổi: Trẻ đã có tư duy logic tốt, khả năng ngôn ngữ tốt, có thể kể chuyện và thích đặt câu hỏi

4 tuổi là một trong các giai đoạn phát triển của trẻ rất quan trọng mà cha mẹ cần đặc biệt quan tâm, và hỗ trợ các yếu tố để giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và trí não. Trẻ thích làm những điều mới lạ, rất thích chơi và hợp tác với bạn, nói về những thứ mà mình thích. Trẻ biết hát và đọc thơ, kể chuyện. Trẻ biết nhiều màu và đếm số, biết khái niệm thời gian, vẽ được hình người, dùng kéo, viết được vài chữ in hoa, giữ thăng bằng 1 chân trong khoảng 2 giây, biết bắt banh.

5 tuổi

5 tuổi: Các kỹ năng vận động tinh và thô gần như hoàn thiện, tính cách cũng được xác lập và trẻ thích thể hiện cái tôi của mình hơn

Trong các giai đoạn phát triển của trẻ, 5 tuổi là thời điểm mà các kỹ năng vận động tinh và thô đã gần như hoàn thiện, tính cách cũng được xác lập và trẻ thích thể hiện cái tôi của mình hơn. Trẻ muốn được giống bạn bè, tuân theo luật lệ, thích hát/ nhảy múa/ đóng kịch, ngày càng trở nên độc lập. Trẻ nói rõ ràng, kể lại được câu chuyện ngắn. Trẻ đếm được hơn 10, vẽ hình tam giác và các dạng hình học khác. Trẻ đứng 1 chân trong khoảng 10 giây, biết leo trèo, đánh đu, nhào lộn 1 vòng.  Bố mẹ hãy xem thêm Các Giai Đoạn Phát Triển Kỹ Năng Vận Động Tinh  để hiểu hơn về con nhé!

Mến chúc trẻ luôn khỏe, phát triển trọn tiềm năng!

Hiểu các giai đoạn phát triển của trẻ đến 5 tuổi giúp mẹ theo dõi, đánh giá trẻ phát triển tốt hơn